Biến thách thức của xu hướng truyền thông mới thành cơ hội phát triển

(ĐCSVN) – Tọa đàm "Xu hướng truyền thông mới - Cơ hội và thách thức" có nhiều thông tin và góc nhìn đã được phân tích, chia sẻ, góp phần giúp các cơ quan báo chí nói chung, các phóng viên, nhà báo trẻ nói riêng thấu hiểu hơn các xu hướng truyền thông mới hiện nay, qua đó góp phần biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển.
Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm “Xu hướng truyền thông mới – Cơ hội và thách thức”.

Đây là nội dung bổ ích của Tọa đàm "Xu hướng truyền thông mới - Cơ hội và thách thức" do Đoàn Thanh niên Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Đoàn Thanh niên: Ban Tuyên giáo Trung ương; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Hội Nhà báo Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Báo Nhân Dân; Thông tấn xã Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cục Truyền thông CAND; Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao và các đơn vị tổ chức vào chiều ngày 2/5, tại Hà Nội.

Chia sẻ tại chương trình, Bí thư Đoàn Thanh niên Đài Truyền hình Việt Nam Phùng Văn Hiệp bày tỏ, trong những năm gần đây, các cơ quan báo chí của Việt Nam đã có nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt nhằm thích nghi với xu hướng chung của báo chí thế giới cũng như nắm bắt được cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại. Trong đó, xu thế truyền thông đa chiều, đa hình thái, đa tiếp cận và đa nền tảng đã lên ngôi.

Hiện nay, cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 673 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Mặc dù đã có nhiều thay đổi để phù hợp với xu hướng nhưng hiện tại, hầu như các cơ quan báo chí đều ở tình cảnh sụt giảm về doanh thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Khó khăn này một phần là do các cơ quan báo chí trong nước đang bị các nền tảng xã hội cạnh tranh về quảng cáo - truyền thông và cả người đọc, người xem, trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục cắt giảm chi phí cho quảng cáo - truyền thông.

Bí thư Đoàn Thanh niên Đài Truyền hình Việt Nam Phùng Văn Hiệp chia sẻ: Tọa đàm "Xu hướng truyền thông mới - Cơ hội và thách thức" nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động Đoàn gắn với công tác, chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời đưa ra gợi mở cho đoàn viên, thanh niên trong khối báo chí thuộc Đoàn Khối các cơ quan Trung ương cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm cũng như cách làm truyền thông báo chí trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của truyền thông hiện nay.

Chương trình tọa đàm “Xu hướng truyền thông mới – Cơ hội và thách thức” thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên đến từ các đơn vị khối báo chí thuộc Đoàn Khối các cơ quan Trung ương tham dự chương trình. 

Tại Tọa đàm, đại diện các đơn vị cùng nhau trao đổi ở 3 nội dung về: Thực trạng về suy giảm doanh thu trên các báo; Xu hướng truyền thông báo chí mới; Giải pháp thay đổi xu hướng báo chí truyền thông.

Buổi Toạ đàm diễn ra với nhiều đóng góp, trao đổi sôi nổi, hướng đến mục đích để các cơ quan báo chí cùng với việc tác nghiệp báo chí cần phát triển nền tảng mạng xã hội hiệu quả; đồng thời, phát triển báo chí trên các nền tảng mạng xã hội sao cho phù hợp với định hướng của thời đại mới, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của độc giả hiện nay.

Tại buổi tọa đàm, các vị khách mời đều có chung nhận định, hiện nay, các tòa soạn báo đã áp dụng mô hình phân phối thông tin đa nền tảng, thay vì chỉ phát triển báo in, báo điện tử như trước đây. Hầu hết các tờ báo điện tử đều có kênh Facebook, YouTube hay thậm chí là TikTok, Zalo… nhằm phục vụ những độc giả riêng biệt hoặc tiếp cận với người dùng mới. Việc làm chủ các nền tảng số này không chỉ giúp tờ báo có thêm độc giả, gia tăng sự hiện diện của thương hiệu mà đây cũng sẽ là nơi hứa hẹn tạo ra nguồn thu mới thông qua các hoạt động quảng cáo.

Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao Nguyễn Đồng Anh chia sẻ, hiện nay không chỉ đơn thuần là đưa các tác phẩm báo chí lên nền tảng mạng xã hội, ứng dụng, một số cơ quan báo chí lớn còn có cả chiến lược dành riêng nhằm phát triển nội dung số, đồng thời coi đây là hướng đi chủ đạo khi tập trung phát triển có trọng điểm, có đầu tư cùng đội ngũ nhân sự hiệu quả.

Xoay quay nội dung về sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc phát triển các sản phẩm truyền thông hiện đại, Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền Phan Hoàng Quỳnh chia sẻ: “Trong tương lai, nếu chúng ta sử dụng AI quá nhiều sẽ làm giảm sự chủ động và sáng tạo. Đối với chúng tôi - những người làm giáo dục, mong muốn nhận được nhiều sự sáng tạo của các bạn sinh viên, chúng tôi không muốn AI trở thành rào cản kìm hãm sự sáng tạo của các bạn. Nhất là cơ sở giáo dục về báo chí càng mong muốn các bạn sáng tạo thật nhiều để khi làm nghề các bạn không bị thụ động.”

Song song với những cơ hội rộng mở, quá trình này cũng khiến các cơ quan báo chí gặp không ít thách thức như khó khăn về công nghệ, nhân lực, vấn đề bản quyền... và rất nhiều rủi ro khác. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các cơ quan truyền thông có thể xây dựng hiệu quả các kênh thông tin trên nền tảng mạng xã hội, cạnh tranh được với các kênh mạng xã hội khác bên cạnh việc bảo đảm tiêu chí, định hướng của tờ báo.

Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Truyền thông Bộ Công an Nguyễn Mạnh Tùng khẳng định: “Chúng ta không nên lạm dụng công nghệ, vì khi đã lạm dụng công nghệ thì sẽ mất đi tính sáng tạo. Các bạn trẻ có lợi thế tiếp thu công nghệ rất nhanh, tuy nhiên quá trình tiếp thu đó cần có chắt lọc. Những người trẻ theo được sự thay đổi của công nghệ và có sức sáng tạo vô bờ nên cần tạo điều kiện để họ sáng tạo, nhưng cần phải sử dụng công nghệ để sáng tạo báo chí chư không phải chạy theo công nghệ”

Bí thư Đoàn Thanh niên Ban Tuyên giáo Trung ương Đào Văn Hiếu cho rằng: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra một thời đại mới cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp báo chí, truyền thông. Trong đó, chuyển đổi số không phải bắt đầu từ vấn đề công nghệ mà trước hết phải bắt đầu từ chuyển đổi tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo. Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng công nghệ số, thay đổi các nội dung, lựa chọn các nội dung phù hợp với đối tượng thì cần thay đổi nhận thức, tư duy cho người làm công tác báo chí hiện nay, nhất đối với thế hệ trẻ và các cơ quan báo chí cần phải đầu tư để đào tạo, bồi dưỡng cho những thế hệ làm báo kế cận và các nhà báo trẻ cần chủ động hơn nữa trong việc học tập, nâng cao trình độ, sử dụng công nghệ và kỹ năng trong tác nghiệp báo chí.

Ở một khía cạch khác, Giám đốc Công ty Truyền thông VNPlus Hà Thị Thủy chia sẻ, chúng tôi cũng thường xuyên tư vấn cho khách hàng ngoài việc truyền thông trên mạng xã hội miễn phí thì cần phải đồng hành với các đơn vị báo chí để khẳng định được mức độ tin tưởng đối với sản phẩm của mình…

Tọa đàm "Xu hướng truyền thông mới - Cơ hội và thách thức" có nhiều thông tin và góc nhìn đã được phân tích, chia sẻ, góp phần giúp các cơ quan báo chí nói chung, các phóng viên, nhà báo trẻ nói riêng thấu hiểu hơn các xu hướng truyền thông mới hiện nay, qua đó góp phần biến khó khăn thách thức xu hướng truyền thông mới thành cơ hội phát triển./.

0 Bình luận
Sắp xếp theo

Có thể bạn quan tâm