Bất động sản Hà Nội đang ở chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ

Kinh tế |
Pháp luật xã hội
| 30/11/2024 10:38
Không chỉ chiếm ưu thế về nguồn cung, yếu tố quan trọng hơn là Hà Nội có nền tảng phát triển hạ tầng khá tốt, quỹ đất đa dạng và dư địa mở rộng các đại đô thị lớn, tập trung ở phía Tây và cả phía Đông.
Dự án Khu đô thị mới G19 có tổng diện tích 26, 1ha tại xã Kim Nỗ. Ảnh: Hữu Hưng.

“Dồi dào” nguồn cung mới

Theo số liệu từ CBRE Việt Nam, trong Quý III, nguồn cung mới ở TP Hà Nội là 8.277 sản phẩm, trong khi TP HỒ CHÍ MINH chỉ có 127 sản phẩm (thấp nhất một thập kỷ trở lại đây). Từ nay đến năm 2026, TP Hà Nội dự kiến có 38.000 căn, còn TP HỒ CHÍ MINH chỉ khoảng 29.000 căn - trước nay thị trường này luôn ở thế dẫn đầu cung cầu nhà đất.

Về thanh khoản, riêng quý vừa qua, TP Hồ Chí Minh có khoảng 2.000 sản phẩm được hấp thụ, duy trì ở mức ổn định, còn Hà Nội có sức mua rất sôi động với độ hấp thụ tương đương nguồn cung (hơn 8.000 căn). Giá nhà Hà Nội tăng 16%- 27%, còn TP Hồ Chí Minh chỉ tăng 4%-8%. Thông thường giá nhà Hà Nội luôn thấp hơn TP Hồ Chí Minh khoảng 10-15 triệu đồng mỗi m2, nhưng hiện tại gần như ngang nhau, thậm chí dự kiến còn tăng cao hơn trong những năm tới.

Các chuyên gia CBRE Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn tới, Hà Nội sẽ là thị trường bất động sản chủ lực. Triển vọng dài hạn cho cả hai thị trường (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) vẫn được đánh giá tích cực nhưng trong ngắn hạn, Hà Nội vẫn sẽ là tâm điểm thu hút sự quan tâm chính.

Theo TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn đầu tư Savills, Hà Nội đang ở một chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ trong khi TP Hồ Chí Minh vẫn loay hoay với bài toán phục hồi.

Không chỉ chiếm ưu thế về nguồn cung, theo ông Sử Ngọc Khương, yếu tố quan trọng hơn nữa là Hà Nội có nền tảng phát triển hạ tầng khá tốt, quỹ đất đa dạng và dư địa mở rộng các đại đô thị lớn, tập trung ở phía Tây và cả phía Đông.

"Tăng nhiệt" theo nguồn cung

Theo tìm hiểu, đầu tháng 11/2024, dự án Hanoi Melody (phường Linh Đàm, quận Hoàng Mai) được phát triển bởi Hưng Thịnh Land bắt đầu mở bán đợt đầu khoảng 800 căn hộ với mức giá 62-75 triệu đồng/m2 sau 3 năm tạm dừng triển khai.

Hiện tại, dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý và để tạo niềm tin với khách hàng, chủ đầu tư đã phối hợp với ngân hàng cùng giám sát việc thi công, bán hàng, giải ngân thanh toán và cho khách hàng vay vốn.

Liền kề dự án Cienco5 Tân Lập, huyện Đan Phượng. Ảnh: T.L

Ngoài dự án trên, dọc tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, ít nhất 5 dự án khác cũng được tái khởi động sau nhiều năm ngừng triển khai, trong đó có tổ hợp tháp đôi Kepler Land cao 41 tầng và 37 tầng theo hình thức hỗn hợp trung tâm thương mại - văn phòng cho thuê và các công trình phụ trợ khác của TSQ Land, cũng là đánh dấu sự trở lại của chủ đầu tư này sau nhiều năm vắng bóng.

Tại huyện Hoài Đức, dự án Cienco 5 Tân Lập, sau 15 năm bỏ hoang, chủ đầu tư bắt đầu dọn dẹp, tiến hành xây thô nhiều block liền kề, biệt thự... Dự án nằm ngay sau Khu đô thị Lideco, cách mặt đường Quốc lộ 32 không xa, quy mô hơn 10ha với 630 căn hộ và nhà vườn.

Tại quận Cầu Giấy, Công ty cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm và Tập đoàn Hà Đô dự kiến xây tòa tháp đôi cùng nhà chung cư ở Khu đô thị mới Dịch Vọng (đoạn ven đường Vành đai 2,5 Hà Nội). Theo giới thiệu của chủ đầu tư, tại khu đất HH sẽ xây dựng 2 tòa tháp cao 47 tầng có kiến trúc giống nhau cùng khối đế, còn khu NO11 xây 1 tòa chung cư cao 32 tầng. Cũng vào đầu tháng 11/2024, Taseco Land đã trúng đấu giá ô đất A3/CT2 tại phường Việt Hưng, quận Long Biên với giá hơn 871 tỷ đồng.

Tại huyện Đông Anh, vào cuối tháng 10/2024, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị mới G19 tại xã Kim Nỗ, cho Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Trung Yên (trước đó cạnh tranh cùng Everland).

Sau giai đoạn khó khăn kéo dài, thị trường bất động sản đang cho thấy sự chuyển biến theo chiều hướng ngày một tốt lên nhờ sự ổn định của nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là hành lang pháp lý được hoàn thiện hơn khi các sắc luật mới gồm Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm từ ngày 1/8/2024. Các phân khúc thị trường, từ bất động sản nhà ở, bất động sản thương mại… tới bất động sản công nghiệp, đều cho thấy dấu hiệu tích cực.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, nêu ra ba nguyên nhân lý giải nguyên nhân tăng giá của thị trường chung cư Hà Nội. Thứ nhất, thị trường mang tính chất chu kỳ. Giá chung cư tăng do bản chất thị trường đang trong giai đoạn phục hồi, loại hình phục hồi đầu tiên sẽ là sản phẩm mang tính chất ở thực.

Thứ hai là nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, trong khi lực cầu là rất lớn. Đơn cử như ở Hà Nội, mỗi năm cần thêm khoảng 100.000 - 170.000 căn hộ mới, trong khi nguồn cung từ đầu năm mới đáp ứng khoảng 30.000 căn, năm ngoái khoảng 10.000 căn.

Thứ ba là do yếu tố tâm lý thị trường. Cụ thể, thời điểm giá chung cư tăng chưa nhiều, người dân có xu hướng chờ giảm giá. Nhưng khi thấy giá tăng khoảng 10-20% thì tất cả mọi người đều đổ vào mua vì sợ giá sẽ tiếp tục tăng nữa. Việc này bồi thêm một đòn tâm lý khiến cho thị trường lại dội lên.

Bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARS IRE) đánh giá, những dự án được tái khởi động cũng như xây mới không chỉ bổ sung nguồn cung mới cho thị trường bất động sản Thủ đô trong các năm tới, mà còn giúp giải cơn khát nhà ở đã “đeo bám” nhiều năm nay. Theo bà Phạm Thị Miền, khi nguồn cung gia tăng, thị trường sẽ “tăng nhiệt” trong những tháng cuối năm nay.

0 Bình luận
Sắp xếp theo

Có thể bạn quan tâm