Đối tượng Hồ Bích Ngọc cùng đồng bọn lừa đầu tư ngoại hối, chiếm đoạt 500 tỷ đồng. Ảnh: Công an TP Hà Nội |
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội vừa triệt phá hoàn toàn một ổ nhóm tội phạm sử dụng các thủ đoạn tinh vi để dụ dỗ nạn nhân, chiếm đoạt gần 500 tỷ đồng thông qua đầu tư ngoại hối và chứng khoán trái phép qua 3 sàn giao dịch.
Cụ thể, 3 sàn giao dịch bao gồm GFS (truy cập qua https://gfsmarkets.co), TOPMAX (https://topmax.com) và RICHSMART (https://ricsmagroup.com). Các sàn này kết nối với ứng dụng Meta Trader 4 và Meta Trader 5, vốn là những nền tảng giao dịch ngoại hối phổ biến trên thế giới.
Theo điều tra, các đối tượng hoạt động dưới vỏ bọc của Công ty TNHH Thương mại và Tư vấn đầu tư Master Group, do Hồ Bích Ngọc (SN 1996, trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đứng tên đại diện pháp luật. Trụ sở công ty đặt tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Dù không đăng ký hoạt động trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán, công ty này vẫn tuyển dụng nhân viên để thực hiện các hoạt động trái phép liên quan đến ngoại hối và chứng khoán phái sinh.
Nhân viên của công ty chủ động tìm kiếm những khách hàng tiềm năng, đặc biệt trong các nhóm đầu tư bất động sản, chứng khoán và ngoại hối lớn trên mạng xã hội như Facebook, Telegram, Zalo… Bằng cách lồng ghép thông tin sai sự thật, chúng quảng bá về thị trường tài chính vĩ mô, giới thiệu giao dịch ngoại hối và chứng khoán phái sinh lừa đảo. Chúng còn mạo danh các “chuyên gia” để tạo lòng tin, dù thực tế những người này không hề có chuyên môn tài chính. Qua đó, khách hàng bị thuyết phục đầu tư với kỳ vọng sinh lời cao.
Các đối tượng sau đó lôi kéo khách hàng mở tài khoản trên các sàn giao dịch kể trên, chuyển tiền vào để thực hiện giao dịch ngoại hối. Chúng đưa ra những nhận định không được kiểm chứng về thị trường và tư vấn đặt lệnh với mức độ rủi ro cao. Khi khách hàng thua lỗ, chúng tiếp tục thao túng tâm lý, khuyến khích đầu tư thêm để gỡ vốn và kiếm lời. Quá trình này kéo dài cho đến khi khách hàng không còn khả năng đầu tư. Cuối cùng, các đối tượng này chặn liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã chuyển.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn ngoại hối, chứng khoán trái phép. Đặc biệt là các sàn quảng cáo, hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong các phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thì lừa đảo, tổ chức đánh bạc trái phép là những phương thức thủ đoạn có thể chiếm đoạt được một lượng tiền lớn trong một thời gian rất ngắn... nên nhiều đối tượng sẵn sàng dấn thân vào con đường tội phạm, thực hiện nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn người một cách nhanh chóng.
Những hoạt động huy động vốn, những hình thức đầu tư không mang lại giá trị thì rất khó có thể có được lợi nhuận cao và hấp dẫn như vậy, đa phần những nhà đầu tư tham gia vào đều thua lỗ, mất tiền.
Dưới góc độ pháp lý, lừa đảo là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Bởi vậy, việc các đối tượng đưa ra những thông tin sai sự thật khiến cho nạn nhân tin tưởng nộp tiền, các đối tượng này nhận tiền rồi chiếm đoạt, đây là những biểu hiện điển hình của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên, các đối tượng thực hiện hành vi này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất được quy định tại khoản 4 Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Cơ quan chức năng cũng sẽ tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản này. Ngoài đối tượng chủ mưu cầm đầu dựng ra kịch bản thì với các đối tượng khác trong đường dây này mà biết đây là các phương thức thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn thực hiện hành vi, cùng ý chí đối với đối tượng cầm đầu cũng sẽ được xác định là đồng phạm với vai trò giúp sức hoặc người thực hành, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên có thể sẽ bị xử lý cùng về một tội danh là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.