Nông dân thôn Phú Liễn, xã Hợp Tiến làm đất để trồng rau màu vụ Đông. Ảnh: V.Biên |
80% diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng
Theo báo cáo của UBND huyện Mỹ Đức, cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nặng, với hơn 80% diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện bị ảnh hưởng.
Theo đó, toàn huyện Mỹ Đức có khoảng 1.943 ha lúa mùa bị đổ, 870 lúa bị ngập (xã Hợp Tiến có 94,47 ha, Mỹ Thành 60 ha, Hợp Thanh 76 ha, An Phú 22,4 ha…bị ngập trắng).
Diện tích hoa màu trên địa bàn huyện Mỹ Đức bị ảnh hưởng khoảng hơn 410ha. Cây ăn quả bị đổ, gãy khoảng 25.300. Cây hàng năm (chuối, đu đủ) bị đổ, gãy khoảng 98,2 ha. Cây bóng mát, cây lấy gỗ bị đổ, gãy khoảng 12.217 cây. Trên 840 ha nuôi trồng thuỷ sản bị tràn nước.
Cũng theo báo cáo của UBND huyện Mỹ Đức, do bão lũ, ngập lụt nên hầu hết các địa phương của huyện đều bị các ảnh hưởng, thiệt hại… nhưng thiệt hại nặng nề nhất là các xã Hợp Thanh, Hợp Tiến, An Phú…
Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến Trần Văn Hừng cho biết, bão số 3 đã gây thiệt hại cho xã 125,3 ha lúa (khoảng 8.720 triệu đồng); 12,3 ha hoa và rau màu (khoảng 370 triệu đồng); 4,96 ha cây ăn quả tập trung (khoảng 630 triệu)…
Đến ngày 5/10, nước mới cạn nên người dân tập trung ra đồng thu dọn hoa màu bị hỏng, làm sạch ruộng đồng và rắc vôi bột để thau chua cho đất.
“Do nước lũ xuống chậm nên khi cạn nước cũng hết thời hạn tốt nhất để sản xuất cây vụ Đông. Do đó, sau khi làm sạch đất, Nhân dân trong xã sẽ tiến hành trồng các loại rau màu ngắn ngày” – ông Trần Văn Hừng cho biết.
Thôn Phú Hiền là thôn bị thiệt hại nặng nề nhất tại xã Hợp Thanh. Cả thôn có 46,4 ha lúa vụ Mùa, xã Hợp Thanh đã huy động lực lượng hỗ trợ nhưng do lũ lên quá nhanh nên chỉ kịp thu hoạch 18,4 ha, còn lại gần 28ha bị mất trắng.
Ngoài thôn Phú Hiền, thì thôn Vài có 30 ha lúa bị mất trắng do nước ngập quá sâu, ngâm nước trong nhiều ngày, không thể khắc phục. Ngoài ra, xã Hợp Thanh còn mất trắng gần 147ha nuôi trồng thủy sản, thiệt hại 3,2ha cây ăn quả.
Chia sẻ với PV, ông Hoàng Văn Hai – Chủ tịch xã Hợp Thanh cho biết, nước ngập úng trong các hộ dân thì đã cạn từ cuối tháng 9 nhưng tại các cánh đồng của xã thì ngày 5/10 mới cạn hết.
“Chúng tôi đang hướng dẫn Nhân dân thu dọn hoa màu bị hỏng, khử khuẩn và phun vôi bột thau chua. Đồng thời, chúng tôi cũng hướng dẫn người dân làm đất và trồng các loại rau ngắn ngày” – ông Hoàng Văn Hai thông tin.
Ngoài xã Hợp Tiến và Hợp Thanh thì các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn huyện Mỹ Đức bị ảnh hưởng nhẹ hơn đã vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị làm đất, giống, phân bón để gieo trồng hơn 1.097ha rau màu vụ Đông, trong đó có gần 299ha rau các loại, 125ha ngô nếp, 116ha khoai tây, 103ha bí đỏ.
Dồn lực hỗ trợ người dân
Theo báo cáo của phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức, diện tích cây vụ Đông năm 2024-2025 trên địa bàn huyện đã trồng tính đến ngày 7/10/2024 là 97,1 ha. Trong đó, ngô 19 ha, khoai lang 0,1 ha, rau đậu các loại 78 ha.
Để mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ Đông có hiệu quả, đảm bảo tăng trưởng ngành nông nghiệp, bù đắp sản lượng rau thiếu hụt do ảnh hưởng của cơn bão số 3, UBND huyện Mỹ Đức yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực gieo trồng cây trồng vụ Đông năm 2024-2024 còn thời vụ trên diện tích đất lúa – màu.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do mưa úng đầu vụ và hạn hán, thiếu nước cuối vụ Đông.
Các xã, thị trấn chỉ đạo Nhân dân tập trung chăm sóc, bảo vệ diện tích cây trồng vụ Đông đã trồng, phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn của huyện. Đảm bảo tưới tiêu phù hợp để cây trồng vụ Đông sinh trưởng, phát triển thuận lợi.
UBND huyện Mỹ Đức hỗ trợ nông dân 100% kinh phí mua giống đậu tương, ngô, khoai lang. Ảnh: V. Biên |
Ông Trương Anh Tuấn – Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết, để bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn, huyện Mỹ Đức đã dồn lực hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, UBND huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại, triển khai phương án hỗ trợ nông dân theo quy định của Chính phủ và TP Hà Nội để khôi phục sản xuất trên địa bàn.
Ông Trương Anh Tuấn nhấn mạnh, ngoài chính sách chung của Chính phủ và TP Hà Nội, UBND huyện Mỹ Đức quyết định bố trí nguồn lực hỗ trợ nông dân 100% kinh phí mua giống đậu tương, ngô, khoai lang. Hỗ trợ 50% kinh phí mua giống khoai tây. Đối tượng được hỗ trợ là hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp thực hiện trồng cây vụ Đông có nhu cầu được hỗ trợ.