Chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

(ĐCSVN) - Trên cơ sở chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người, thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận, tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ, nỗ lực không ngừng của Việt Nam và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ UPR

Việt Nam hiện thực hóa quyền con người bằng nhiều chính sách thiết thực. (Ảnh minh họa: Minh Trường) 

Ngày 15/3/2006, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 60/251 về thành lập Hội đồng Nhân quyền thay thế cho Ủy ban Nhân quyền trước đây với mục đích tăng cường hiệu quả cho cơ chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của Liên hợp quốc. Hội đồng Nhân quyền đã có một số thay đổi quan trọng về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ so với của Ủy ban Nhân quyền trước đó và có thêm một chức năng mới là “rà soát định kỳ phổ quát” về quyền con người.

Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát của Liên hợp quốc về quyền con người (UPR) là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người với nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch.

Trên tinh thần đó, Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ UPR trong xuyên suốt 18 năm qua – kể từ khi Cơ chế UPR được thành lập (2006 - 2024) và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận. Trong những năm qua, nỗ lực hội nhập quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người đã đạt được một số kết quả tích cực, thể hiện ở sự tham gia chủ động của Việt Nam vào các cơ chế quốc tế về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Việt Nam đã có hai lần là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, với nhiệm kỳ thứ nhất vào năm 2014 - 2016 và nhiệm kỳ thứ hai từ năm 2023 - 2025. Trong khuôn khổ hoạt động với Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia 3 chu kỳ rà soát UPR. Sau 3 chu kỳ rà soát UPR, Việt Nam đã nhận được 636 khuyến nghị. Tính riêng chu kỳ III lần thứ ba, Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 122 quốc gia.

Sau mỗi kỳ rà soát, Việt Nam đều thể hiện thiện chí và cam kết thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Để triển khai thực hiện khuyến nghị UPR lần thứ III, ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận, trong đó giao nhiệm vụ trực tiếp, cụ thể cho 18 bộ, ngành triển khai các khuyến nghị này. Thông qua việc triển khai thực hiện khuyến nghị UPR, Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc thúc đẩy và thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Có thể kể đến một số kết quả rõ ràng như: Về mặt lập pháp, Hiến pháp 2013 và nhiều bộ luật của Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tương thích hơn với pháp luật quốc tế về quyền con người. Trên cơ sở khuyến nghị tại UPR chu kỳ 1 và chu kỳ 2 về tăng cường giáo dục quyền con người, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua “Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, xác định mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục, đào tạo các cấp tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.

Trong giai đoạn năm 2021 - 2022, đã có gần 500 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tập huấn công tác về ý nghĩa, tầm quan trọng của quyền con người nói chung và quyền con người trong giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Việt Nam cũng triển khai các hoạt động nghiên cứu về quyền con người; xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm tuyên truyền và phổ biến pháp luật về quyền con người tại các trung tâm nghiên cứu và cơ sở đào tạo chuyên sâu.

Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đào tạo kiến thức về quyền con người cho các công chức, viên chức Nhà nước và địa phương nhằm tăng cường nhận thức, năng lực và hiệu quả ở cơ sở thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Từ năm 2020 đến nay đã có 4 khóa tập huấn về quyền con người cho lực lượng cảnh sát và giảng viên các trường thuộc Bộ Công an quản lý, 2 lớp tập huấn dành cho tổng biên tập, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí… Song song với đó, Việt Nam cũng tăng cường đầu tư hỗ trợ trang bị cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ nhằm sản xuất các sản phẩm truyền thông để nâng cao nhận thức về phòng chống tội phạm mua bán người, thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận y tế, giáo dục… của người dân, nhất là ở các vùng xa, miền núi và trong các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Tích cực triển khai, thực hiện các cam kết và hợp tác quốc tế về quyền con người

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp thường kỳ lần thứ 57, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: TTXVN) 

Cho tới nay, Việt Nam hiện đã tham gia 7/9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Việc triển khai các điều ước được thực hiện nghiêm túc, chặt  chẽ bằng hành lang pháp lý và hệ thống chính sách đồng bộ và đạt được những kết quả toàn diện. Từ 2019 đến nay, Việt Nam đã nộp và bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia về việc thực thi Công ước CERD lần thứ 5 (tháng 11/2023); nộp Báo cáo giữa kỳ về việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban CAT (tháng 10/2020) và Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4 (tháng 3/2023)46; bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước CRC (9/2022); nộp và chuẩn bị tiến hành đối thoại về các báo cáo thực hiện Công ước CEDAW lần 9 và Công ước CRPD lần 2…

Hiện Việt Nam đang đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025 với 8 ưu tiên lớn trong các lĩnh vực: (i) Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền gắn với đề cao luật pháp quốc tế; (ii) Quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu; (iii) Chống bạo lực và phân biệt đối xử, tăng cường bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; (iv) Thúc đẩy bình đẳng giới; (v) Quyền con người trong bối cảnh chuyển đổi số; (vi) Quyền sức khỏe; (vii) Quyền việc làm; (viii) Quyền tiếp cận giáo dục chất lượng và giáo dục quyền con người.

Việt Nam cùng Nhóm nòng cốt đã giới thiệu dự thảo nghị quyết về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và quyền con người để Hội đồng Nhân quyền xem xét thông qua tại các khóa họp thường kỳ tháng 6 hàng năm. Tại Khóa họp lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền (4/2023), Việt Nam đã đề xuất và cùng Nhóm nòng cốt thúc đẩy Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA), với sự đồng bảo trợ của 121 quốc gia.

Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam coi trọng cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và nghiêm túc triển khai các khuyến nghị đã chấp thuận tại 3 chu kỳ trước, đồng thời tiến hành rà soát một cách toàn diện để xây dựng Báo cáo UPR chu kỳ IV.

Ngày 27/9/2024, trong khuôn khổ Khóa họp thường kỳ lần thứ 57, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam. Phiên họp về việc thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV đối với Việt Nam thu hút sự quan tâm, đăng ký tham dự của khoảng 90 đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ (NGO) có quy chế tư vấn với Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), trong đó có các tổ chức NGO của Việt Nam.

Phát biểu bên lề khóa họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Thư ký thường trực Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC) Iraklis Tsavdaridis đã có những đánh giá về chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Ông Tsavdaridis nhấn mạnh: "Với tư cách thành viên Hội đồng Hòa bình Thế giới, chúng tôi ủng hộ quyền của người dân Việt Nam được lựa chọn con đường phát triển và cải thiện của họ. Đó là lý do chúng tôi tới đây (tham dự phiên họp thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV đối với Việt Nam), để ủng hộ và bày tỏ sự đoàn kết với Việt Nam, một quốc gia kiên cường, cũng như mong muốn được chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong việc phát triển đất nước, đảm bảo ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng cho người dân”. 

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng khẳng định, những kết quả mà Việt Nam đạt được là “minh chứng rõ nét cho sự quật cường và nỗ lực của người dân Việt Nam và cho các chính sách lấy người dân làm trung tâm của phát triển”. 

Sự tham gia của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền trong hai nhiệm kỳ cũng như cam kết của Việt Nam với tiến trình UPR cho thấy Việt Nam đã chủ động hơn trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong đó, vai trò tham gia chủ động, tích cực vào cơ chế quyền con người của Liên hợp quốc cũng là cơ hội quan trọng để Việt Nam thực hiện các nỗ lực cụ thể trong lĩnh vực này./.

0 Bình luận
Sắp xếp theo

Có thể bạn quan tâm