Doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn

Đối ngoại |
Vietnamlink
| 28/06/2023 23:45
Từ một nước nhận đầu tư, Việt Nam đã có những tập đoàn kinh tế lựa chọn đầu tư ra nước ngoài là con đường để trở thành doanh nghiệp toàn cầu. Quá trình này không chỉ vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận mà còn góp phần phát triển nền kinh tế, nâng cao vị thế của đất nước.

Từ một nước nhận đầu tư, Việt Nam đã có những tập đoàn kinh tế lựa chọn đầu tư ra nước ngoài là con đường để trở thành doanh nghiệp toàn cầu. Quá trình này không chỉ vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận mà còn góp phần phát triển nền kinh tế, nâng cao vị thế của đất nước.

Sau hơn 30 năm hội nhập và phát triển, đến nay Việt Nam không chỉ là một quốc gia tiếp nhận đầu tư hàng đầu trong khu vực mà còn vươn lên trở thành quốc gia có nhiều doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

Những bước chân tiên phong

Tháng 4/2023, Tập đoàn FPT chính thức khai trương Trung tâm chiến lược phần mềm tại thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) với mục tiêu đẩy mạnh việc phát triển và cung cấp các giải pháp công nghệ cao cho thị trường tỷ dân bên cạnh văn phòng đầu tiên được mở tại Thượng Hải từ năm 2017.

Cũng trong đầu năm nay, FPT đã mở văn phòng thứ hai tại Hàn Quốc nhằm tăng cường nguồn lực công nghệ, mở rộng mạng lưới hoạt động khu vực châu Á và công bố thương vụ mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ (IT Services) của doanh nghiệp Mỹ Intertec International.

Trước đó, năm 2022 FPT mở thêm các văn phòng mới tại New York (Mỹ), Copenhagen (Đan Mạch), Tokyo (Nhật Bản), Manila (Philippines) và Bangkok (Thái Lan). Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia sau 23 năm, doanh số tại thị trường nước ngoài đạt mốc 1 tỷ USD.

Trong câu chuyện về bài học thành công của doanh nghiệp Việt đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế nhắc đến bước đi chắc chắn của Tập đoàn TH khi thực hiện kế hoạch đầu tư 2,7 tỷ USD vào Nga.

Dự án sữa tươi sạch tại Nga được TH triển khai với quy mô dự kiến 350 nghìn con bò sữa, tổng công suất chế biến sữa 5.900 tấn/ngày, tổng diện tích vùng nguyên liệu tập trung 140 nghìn ha. Tập đoàn TH đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào máy móc nông nghiệp và xây dựng, biến hàng chục nghìn héc-ta đất bị bỏ hoang nhiều thập kỷ của nước Nga thành các cánh đồng màu mỡ tại Moscow và tỉnh Kaluga.

Những bài học thành công còn được nối dài trong câu chuyện đầu tư ra nước ngoài của Vinamilk vào ngành sữa ở Mỹ, Lào, Campuchia, Philippines; Công ty cổ phần Golf Long Thành đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, bất động sản tại Lào, Tập đoàn Hòa Phát trong lĩnh vực khai khoáng, Tập đoàn NutiFood trong lĩnh vực sản phẩm dinh dưỡng chăm sóc sức khỏe…

Quá trình vươn ra biển lớn của doanh nghiệp Việt Nam được khai mở từ đầu những năm 2000 bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với các dự án có quy mô vốn lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội, Tập đoàn Cao-su Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà…

Ở giai đoạn đầu, vốn đầu tư của Việt Nam chủ yếu được thực hiện tại các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar và một số nước châu Phi đang cần thu hút vốn ngoại. Theo báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2021 có 30 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện đầu tư 137 dự án ra nước ngoài, tổng vốn thực hiện lũy kế đạt hơn 6.615 triệu USD, bằng 55% số vốn đăng ký.

Trong đó, 62 dự án có lợi nhuận với tổng lợi nhuận sau thuế là 810,2 triệu USD, tăng 90% so năm 2020. Năm 2021, số vốn thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài là 509,75 triệu USD, trong đó, lợi nhuận chuyển về nước là 278,56 triệu USD, chủ yếu là từ các dự án của các tập đoàn, tổng công ty lớn.

24 năm qua, do “sức khỏe” nền kinh tế còn có hạn và kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài đang dần được tích lũy, cho nên các doanh nghiệp phải đi từng bước thận trọng, phù hợp với trình độ và điều kiện phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như mối quan hệ quốc tế và vị thế của đất nước ở từng giai đoạn.

TS Phan Hữu Thắng nhận định

Quá trình này đã ghi nhận những thành công bước đầu khi một số các tập đoàn, doanh nghiệp mang được lợi nhuận về nước, xây dựng được thương hiệu ở nước ngoài nhưng hành trình này không chỉ có quả ngọt. Đã có những doanh nghiệp phải giải thể, một số dự án đầu tư thua lỗ kéo dài nhiều năm chưa thể xử lý dứt điểm.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Ông Phạm Xuân Quang, Phó Vụ trưởng Pháp chế Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quá trình đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam được bắt đầu từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 22/1999/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.

Đến nay, hệ thống quy định pháp luật về vấn đề này ngày càng hoàn chỉnh hơn, các doanh nghiệp đã đầu tư ra nước ngoài 22 tỷ USD tại 79 quốc gia và vùng lãnh thổ, cho thấy đây không chỉ là xu hướng trong từng giai đoạn mà thể hiện tầm nhìn chiến lược nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng, nguồn lực của Việt Nam trong tầm nhìn rộng lớn hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội.

Theo ông Chu Công Phùng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, trong quá khứ từng có quan điểm cho rằng các nước kém phát triển là nơi tiếp nhận vốn đầu tư, còn các nước phát triển là nguồn cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhưng gần đây, thế giới đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ đầu tư ra nước ngoài từ các nước đang phát triển với mục đích mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý hiện đại, trong đó có Việt Nam.

Đây là mức thấp so với con số 46,2% của Myanmar, 17,2% của Thái Lan, 14,1% của Philippines… Báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế là do các doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cạnh tranh quốc tế, chưa liên kết chặt chẽ với nhau để tạo thành sức mạnh và thể chế, chính sách về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam chưa theo kịp yêu cầu phát triển, còn nhiều hạn chế bất cập, thiếu định hướng cụ thể.

Trong Báo cáo “Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài và tại Myanmar” do Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam-Myanmar công bố mới đây, Nhóm nghiên cứu dẫn lại số liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho thấy tỷ lệ vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện của Việt Nam so với GDP đạt mức cao nhất là 3,8% vào năm 2016 và giảm xuống còn 3,3% năm 2021.

Chính sách ưu đãi đối với đầu tư ra nước ngoài chưa thỏa đáng, chưa tạo được động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà đất nước đang cần công nghệ và kỹ năng quản lý và những địa bàn cần khuyến khích đầu tư…

Để thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài hiệu quả, TS Phan Hữu Thắng cho rằng cần đổi mới tư duy và nhận thức về đầu tư ra nước ngoài, hoàn thiện thể chế chính sách liên quan đến lĩnh vực này cùng với các giải pháp tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài.

Trong đó, xác định rõ vai trò, lợi ích của đầu tư ra nước ngoài đối với quốc gia cũng như đối với doanh nghiệp để thông qua hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam có thêm nguồn nguyên, nhiên liệu phục vụ cho phát triển kinh tế trong nước; giúp các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường thế giới, tăng nội lực kinh doanh.

Bên cạnh đó, đã đến lúc cần xây dựng và sớm công bố Đề án Chiến lược đầu tư ra nước ngoài hoàn chỉnh và toàn diện cả về ngắn hạn, trung và dài hạn để thực hiện tầm nhìn chiến lược về đầu tư ra nước ngoài.

Lũy kế đến ngày 20/5/2023, Việt Nam đã có 1.648 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 22,1 tỷ USD; trong đó đầu tư tại Myanmar chiếm khoảng 10%. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,5%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,6%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,4%); Campuchia (13,3%); Venezuela (8,3%)…Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài

Nhandan.vn

0 Bình luận
Sắp xếp theo

Có thể bạn quan tâm