Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón 6,2 triệu lượt khách quốc tế (tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023; tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019); doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng qua ước đạt 237.300 tỷ đồng (tăng 15,3%).
Đáng chú ý, trong 5 ngày nghỉ lễ, ngành du lịch cả nước đã phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Các địa bàn du lịch trọng điểm ghi nhận những tín hiệu tích cực với lượng khách tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Có thể kể đến như Thanh Hóa phục vụ khoảng 1,52 triệu lượt khách, tăng 27,2%; Quảng Ninh phục vụ khoảng 1 triệu lượt khách, tăng 48%; Khánh Hòa phục vụ gần 1 triệu lượt khách, tăng 21,5%; Nghệ An phục vụ khoảng 950 nghìn lượt khách, tăng 22%; tổng thu đạt hơn 1,7 nghìn tỷ đồng. Bà Rịa - Vũng Tàu phục vụ khoảng 626 nghìn lượt khách, tăng 25%; tổng thu đạt khoảng 712,8 tỷ đồng, tăng 12,49%. Đà Nẵng phục vụ khoảng 336.000 lượt khách, tăng 11,6%; tổng thu đạt khoảng 1,33 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7%...
Lượng khách tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 là tín hiệu khả quan để ngành du lịch thêm động lực tăng trưởng khi bước vào mùa cao điểm du lịch hè. (Ảnh minh họa: HT) |
Theo đánh giá của Cục Du lịch quốc gia, có được những kết quả trên là do công tác phục vụ khách du lịch trong dịp nghỉ Lễ 30/4 - 01/5 năm nay được chuẩn bị từ sớm; các địa phương, doanh nghiệp chủ động đảm bảo an ninh, an toàn các hoạt động du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra tai nạn, sự cố đáng tiếc.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày vừa qua được ví như cơ hội “vàng” cho ngành du lịch Việt. Nắm bắt được nhu cầu của du khách, nhiều hoạt động kích cầu, khuyến mại sản phẩm đã được triển khai, tiêu biểu là Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2024; Chương trình kích cầu thu hút khách du lịch 2024 “Quảng Nam - Miền xanh Di sản"...
Cùng với đó, các địa phương cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, chương trình nghệ thuật, lễ hội đặc sắc… để tạo điểm nhấn thu hút khách. Đơn cử như Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”; Khai trương mùa du lịch Biển Đà Nẵng 2024” với chủ đề “Sóng mùa hè”; “Liên hoan Du lịch 2024 “Đồ Sơn - Điểm đến 4 mùa”; Lễ khai trương du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024; Tuần Văn hóa Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024; Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024; Lễ hội hoa hồng Fansipan; Carnaval Hạ Long; Lễ hội âm nhạc Đà Lạt 2024 - Da Lat Music Festival 2024, Dalat Best Dance Crew 2024; Lễ hội văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại thác Tea Bobla (huyện Di Linh); trưng bày chuyên đề giới thiệu di sản văn hóa Chăm Ninh Thuận; Liên hoan quốc tế nhạc Jazz lần thứ I Nha Trang 2024; Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2024…
Sản phẩm du lịch cũng được tung ra đầy hấp dẫn như Hành trình đêm Đà Lạt” (Lâm Đồng); tour đêm đền Hùng (Phú Thọ); “Một hành trình - nhiều trải nghiệm” của Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; Công viên nước Thủy Tinh, Công viên ánh sáng (Đồ Sơn, Hải Phòng); Bộ sản phẩm liên vận tàu hỏa 5 sao với chủ đề “Hành trình kết nối di sản” Huế - Đà Nẵng; Tour “du lịch trải nghiệm sông Hồng”, Con đường di sản Nam Thăng Long (Hà Nội)…
Đối với những doanh nghiệp làm du lịch, việc lượng du khách tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ vừa qua báo hiệu ngành du lịch phục hồi. Tổng Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, lượng khách tăng trở lại trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là kết quả chuẩn bị đầu tư làm mới sản phẩm du lịch thể hiện qua hàng loạt tour, tuyến du lịch mới cùng nhiều sự kiện lễ hội, biểu diễn nghệ thuật thu hút khách.
Việc lượng khách tăng trở lại kỳ nghỉ lễ vừa qua là những tín hiệu đáng mừng, khởi động cho mùa cao điểm du lịch hè. Nhưng để du lịch trong nước gặt hái được thành công, các chuyên gia cho rằng, du lịch Việt Nam cần có chiến lược cụ thể và bài bản hơn để có sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước vào tất cả các mùa trong năm. Trên hết, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cộng đồng doanh nghiệp để nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh. Các địa phương nên xây dựng nhiều sản phẩm khác nhau theo thế mạnh riêng để tạo sức hút quanh năm cho du khách, tránh việc bước vào mùa cao điểm hè, các địa phương đồng loạt tổ chức lễ hội, tuần du lịch, chương trình xúc tiến, famtrip (khảo sát du lịch) trong khi vào những thời điểm khác lại ít hoạt động.
Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ du khách và hình thành nhiều điểm đến đẳng cấp quốc tế. Đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng về du lịch bền vững, nâng cao giá trị trải nghiệm cho du khách bằng giá trị đặc thù địa phương; đón tiếp du khách một cách thân thiện, biết bảo vệ và nhắc nhở du khách bảo vệ môi trường. Tạo dấu ấn tốt đối với du khách bằng cả hành vi, lối sống, sự độc đáo về văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.
Thời điểm này, hàng loạt sự kiện kích cầu du lịch hè đang diễn ra tại các địa phương. Để du lịch Việt Nam tạo được sự phát triển bền vững, tránh tình trạng làm ăn manh mún, chộp giật, ngoài nỗ lực của các địa phương, còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa hàng không và du lịch trong việc xây dựng các sản phẩm hấp dẫn, có tính ổn định cao, thu hút du khách. Cùng với đó, ngành du lịch cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển giữa các địa phương, từ đó có những sản phẩm đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế./.