Hà Nội sẵn sàng nguồn cung nông sản phục vụ Tết

Kinh tế |
Pháp luật xã hội
| 22/12/2024 07:42
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phục vụ hàng hóa dịp Tết 2025, Hà Nội đã chủ động lo liệu nguồn cung, không để xảy ra tình trạng thiếu - thừa cục bộ.
Chăm sóc rau màu trên cánh đồng thôn Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội). Ảnh: Trọng Tùng

Triển khai kế hoạch cung ứng hàng hóa và bình ổn giá

Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đánh giá, Hà Nội là một trong 3 địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước với gần 10 triệu dân cư trú thường xuyên. Ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng nông lâm thủy sản thiết yếu của TP hiện nay rất lớn. Cụ thể, trung bình mỗi tháng, Hà Nội cần khoảng 20 nghìn tấn thịt lợn hơi; khoảng 6,7 nghìn tấn thịt gà, vịt; 5,5 nghìn tấn thủy, hải sản tươi đông lạnh; hơn 5,5 nghìn tấn thực phẩm chế biến mỗi tháng. Nhu cầu về rau, củ hàng tháng vào khoảng 110,5 nghìn tấn và khoảng 132 triệu quả trứng gia cầm…

Theo dự báo của Sở Công Thương TP Hà Nội, sức tiêu thụ của thị trường cuối năm, có thể tăng thêm 20 - 30% so với ngày thường. Hiện nay, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, TP, phát triển 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá nông sản, đặc sản vùng miền; hỗ trợ lưu thông hàng hóa... Toàn TP hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 455 chợ, 131 siêu thị, 29 trung tâm thương mại, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 34 sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng đa phương tiện cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa...

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn, Sở đã triển khai kế hoạch cung ứng hàng hóa và bình ổn giá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giải pháp kích cầu tiêu dùng, mua sắm… Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết bảo đảm nguồn cung từ khá sớm. Đến nay, các DN đã khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7-30% tùy mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2024 để sẵn sàng phục vụ Nhân dân. Đáng chú ý, tỷ trọng hàng Việt Nam, nhất là nông sản đặc trưng của các địa phương, sản phẩm OCOP chiếm khoảng 90% trong giỏ hàng hóa Tết.

Công tác kiểm soát, chất lượng hàng hóa được đẩy mạnh

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh, Nguyễn Tiến Hùng, vụ đông 2024 - 2025, huyện Mê Linh gieo trồng 1.700ha rau, củ, quả, tập trung chủ yếu tại các xã Tráng Việt, Tiền Phong, Tiến Thắng, Đại Thịnh, Văn Khê… hướng đến vụ rau phục vụ thị trường Tết, các đơn vị chuyên môn của huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng rau cho nông dân.

Đồng thời, các đơn vị cử cán bộ chuyên môn bám sát đồng ruộng, điều tra, theo dõi sự phát sinh của các đối tượng sinh vật gây hại trên cây rau và phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc và đúng cách...

Đa dạng mặt hàng rau củ tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Đăng

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm cho biết, để bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thời điểm cuối năm và tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngay từ đầu tháng 10/2024, siêu thị đã làm việc với các nhà cung cấp để lên kế hoạch nguồn cung sản phẩm các loại. Hiện DN có khoảng 20 mặt hàng bình ổn giá, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao.

Bên cạnh đó, trên các kệ hàng, quầy hàng tại siêu thị trưng bày hợp lý, bắt mắt để người tiêu dùng thuận lợi lựa chọn. Đồng thời tung ra các chương trình khuyến mại với giá cả ưu đãi, hấp dẫn nhằm kích cầu nhu cầu mua sắm của người dân.

Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho biết, BigGreen có hàng chục cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội với khoảng 1.000 loại sản phẩm bán hằng ngày. Chủ động nguồn hàng cuối năm, Biggreen đã ký hợp đồng tiêu thụ với hàng chục cơ sở sản xuất. “Cuối năm, nhu cầu thực phẩm chắc chắn tăng mạnh, do đó, cửa hàng chủ động ký kết, nhập khẩu nhiều mặt hàng đặc sản, OCOP để cung ứng cho người dân Thủ đô” - ông Nguyễn Tiến Hưng nói.

Không chỉ bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa, công tác kiểm soát, giám sát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cũng được cơ quan quản lý, DN đẩy mạnh triển khai. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, Sở đã chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm chất lượng hàng hóa gắn với công tác bảo đảm cung cầu hàng hóa để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của Nhân dân trong dịp Tết 2025; chủ động xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chuẩn bị nguồn hàng hóa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ; Đồng thời, tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định đối với các hoạt động khuyến mại, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lĩnh vực Công Thương…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, Sở đang và sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương Hà Nội trong việc theo dõi, bám sát tình hình cung - cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Từ nay đến cuối năm, Sở sẽ tập trung cao độ công tác thanh kiểm tra những cơ sở giết mổ động vật, cơ sở thu gom thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở sản xuất… lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy định thường xuyên.

0 Bình luận
Sắp xếp theo

Có thể bạn quan tâm