Hội thảo khoa học “Huyền Trân công chúa: cuộc đời và giai thoại”

(ĐCSVN) – Hội thảo khoa học “Huyền Trân công chúa: cuộc đời và giai thoại” không chỉ góp phần làm rõ những đóng góp của Huyền Trân công chúa đối với dân tộc và đạo pháp, mà còn góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa liên quan đến Huyền Trân công chúa, đến các di tích thờ phụng Huyền Trân công chúa ở Việt Nam hiện nay.

Ngày 30/11, tại thành phố Nam Định, Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, Ủy ban nhân dân huyện Vụ Bản tổ chức Hội thảo khoa học “Huyền Trân công chúa: cuộc đời và giai thoại”. Hội thảo quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử, khảo cổ, văn hóa, tôn giáo đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài nhấn mạnh, Nam Định là trung tâm của khu vực đồng bằng sông Hồng, nơi lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Đặc biệt, Nam Định còn là vùng đất khởi nghiệp của Vương triều Trần, một triều đại hùng mạnh trong lịch sử dân tộc.

Toàn cảnh Hội thảo. 

Trong số các nhân vật lịch sử của thời Trần, Huyền Trân công chúa (1287-1340) là một nhân vật nổi bật. Là con gái của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, bà được gả cho vua Chế Mân của Champa nhằm duy trì bang giao. Tuy cuộc hôn nhân chỉ kéo dài một năm do vua Chế Mân qua đời, nhưng Huyền Trân công chúa vẫn để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử. Ghi nhớ công lao to lớn của bà, triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong bà là “Trai Tĩnh Trung đẳng thần”. Việc thờ phụng Huyền Trân vẫn được nhân dân nhiều nơi duy trì từ xưa cho đến tận ngày hôm nay.

Tuy nhiên, những ghi chép trong chính sử về bà khá ít, lại có một số điểm chưa tỏ tường, nên câu chuyện về cuộc đời, những sự kiện liên quan đến Huyền Trân công chúa được thêu dệt, nhất là trong thời gian từ Champa trở về Đại Việt, làm ảnh hưởng đến nhân cách, cuộc đời và làm mờ đi những đóng góp của Huyền Trân công chúa với quốc gia, dân tộc và với Phật giáo Việt Nam.

Vì thế, việc nghiên cứu làm rõ hơn cuộc đời, đóng góp của Huyền Trân công chúa với đất nước, Phật giáo là vô cùng cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc mang đến một nhận thức đầy đủ, đúng đắn về cuộc đời, đóng góp của một nhân vật lịch sử.  

Di tích lịch sử, văn hóa chùa Hổ Sơn xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, nơi thờ Huyền Trân công chúa. 

Hội thảo khoa học “Huyền Trân công chúa: cuộc đời và giai thoại” là sự kiện quan trọng để bổ sung thêm những nguồn tư liệu quý góp phần làm rõ hơn về cuộc đời và những đóng góp của công chúa Huyền Trân với dân tộc ta và Phật giáo Việt Nam; về mối quan hệ giữa nước Đại Việt và nước Champa trong lịch sử; đồng thời làm rõ những giai thoại về Công chúa Huyền Trân để có nhận thức đầy đủ, khách quan và khoa học về cuộc đời của bà.

Với hơn 50 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, Hội thảo đã tập trung thảo luận ba chủ đề chính: Cuộc đời và giai thoại của Huyền Trân công chúa; vai trò của bà đối với dân tộc qua cuộc hôn nhân với vua Chế Mân; và vai trò của bà trong Phật giáo.

Thông qua việc tìm kiếm và phân tích các nguồn tư liệu lịch sử, khảo cổ, thần tích, thần sắc, truyền thuyết, cũng như các cơ sở thờ tự liên quan đến công chúa Huyền Trân, hội thảo nhằm cung cấp cái nhìn khoa học, đầy đủ và khách quan về nhân vật lịch sử này. Đồng thời, từ kết quả nghiên cứu, hội thảo đề xuất các phương án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến công chúa Huyền Trân, đặc biệt là di tích Chùa Hổ Sơn.

Chùa Nộn Sơn (tên nôm thường gọi của chùa Hổ Sơn) thờ hai vị công chúa là Huyền Trân và Thụy Bảo (cô ruột công chúa Huyền Trân). Trải qua dòng chảy hàng trăm năm lịch sử, đến nay chùa vẫn giữ được nhiều di vật có giá trị như 27 tượng thờ, 27 đồ thờ cổ, trong đó có tượng hai công chúa, 4 sắc phong của các triều đại quân chủ phong cho hai công chúa, một số bát hương, sành sứ mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa được Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2006.

Trước thực trạng chùa Hổ Sơn xuống cấp nghiêm trọng, thể theo nguyện vọng của người dân, ngày 22/1/2020, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh đã phê duyệt quyết định cho phép Chùa Hổ Sơn được tu bổ tôn tạo.

Đầu năm 2021, Chùa Hổ Sơn chính thức được khởi công xây dựng. Công trình chùa Hổ Sơn được xây dựng trên nền đất chùa cũ và được quy hoạch mở rộng khuôn viên với diện tích là 13 ha, gồm 30 hạng mục công trình lớn nhỏ. Khu thờ tự gồm: tòa tam bảo, đền thờ mẫu, đền thờ Huyền Trân công chúa, nhà thờ tổ, lầu cô, lầu cậu, cùng tượng thập bát vị La hán, nhà bia, quần thể lăng tẩm tháp tổ…

Trong khuôn viên chùa được dựng bảo tháp 13 tầng, cao 26 mét, tượng Phật Bà Quan Âm, cột cờ, giếng ngọc đá ong, nhà thuốc nam, thuyền rồng – bảo tàng công chúa Huyền Trân mô phỏng cảnh thuyền rồng đón công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về nước; đặc biệt là tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đá sa-phia nguyên khối, cao 5,1 mét… Chùa Hổ Sơn hiện đang là một trong những di tích quan trọng của Nam Định để đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh./.

0 Bình luận
Sắp xếp theo

Có thể bạn quan tâm