Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: HNV) |
Hội thảo lần này không chỉ thúc đẩy việc hợp tác quốc tế phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch mà còn là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một giải pháp quan trọng để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Được biết, Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng, trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hợp tác quốc tế với các quốc gia, nền kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia uy tín trên thế giới để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực là một trong những quan điểm chủ đạo, xuyên suốt Chương trình. Cùng với các khóa đào tạo do NIC đã, đang tổ chức với sự hỗ trợ, phối hợp của các tập đoàn công nghệ như: Qorvo, Cadence, Google, Siemens, Samsung FPT, ARM, Mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Silicon Valley, Hoa Kỳ…
TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo (Ảnh: HNV) |
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao sự hợp tác toàn diện giữa NIC với các tập đoàn công nghệ hàng đầu như: Qorvo, Cadence, Marvell, Siemens, ARM... không chỉ cùng triển khai các hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch mà còn hợp tác thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), hình thành hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.
Thực tế, trong thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng và dẫn dắt, đang được triển khai đồng loạt ở các trường đại học tại Việt Nam. “Với sự chủ động đó, tôi tin tưởng rằng mục tiêu của Việt Nam đặt ra trong đào tạo 50 nghìn kỹ sư cử nhân cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có 15 nghìn cho công đoạn thiết kế sẽ sớm đạt được và đáp ứng được nhu cầu nhân lực bán dẫn trong và ngoài nước đến năm 2030”- TS Hoài chia sẻ.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 đã xác định phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ chủ trương này, trong thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ.
Chiến lược cũng chỉ ra một trong ba đột phá là phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, trong đó chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.
Chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tham dự Hội thảo (Ảnh: HNV) |
Để hiện thực hóa chủ trương của Việt Nam trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ Việt Nam xác định những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là những lĩnh vực tạo đột phá, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, có vị trí địa chính trị chiến lược, có lực lượng lao động trẻ dồi dào am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hiện đại, thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Với những tiềm năng nêu trên, các tập đoàn, đối tác trong ngành bán dẫn hãy tiếp tục tin tưởng, mở rộng các hoạt động hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Sự đầu tư, hỗ trợ vào nguồn nhân lực trẻ Việt Nam là chìa khóa để mở cánh cửa tương lai tươi sáng và bền vững hơn, mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và cả doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và sáng tạo của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam.
Vừa qua, NIC đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Cadence, Qorvo, Marvell, Siemens... trong việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, xây dựng hệ sinh thái, phát triển nguồn nhân lực, cấp học bổng và đào tạo sinh viên tài năng trong lĩnh vực bán dẫn. Sự hợp tác toàn diện này mở ra những cơ hội chưa hội chưa từng có cho các sinh viên, kỹ sư Việt Nam gia nhập ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.
Dịp này, Phó Gám đốc NIC đề nghị các tập đoàn công nghệ tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa các giải pháp bán dẫn sáng tạo; triển khai các chương trình đào tạo cho sinh viên, kỹ sư, nhà nghiên cứu công nghệ bán dẫn; giới thiệu các công nghệ mới nhất và phù hợp cho cộng đồng bán dẫn tại Việt Nam; phối hợp với NIC cấp học bổng cho sinh viên tài năng muốn theo đuổi ngành bán dẫn; thúc đẩy niềm say mê và trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực hành cho sinh viên, giảng viên ngành bán dẫn.
Dịp này, TS Hoài thể hiện sự lạc quan về tương lai của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, hy vọng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu. Sự hợp tác giữa Chính phủ - Viện, Trường - Doanh nghiệp mà chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay chính là đòn bẩy cho sự phát triển và đổi mới chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam. Đồng thời tin rằng, với sự nỗ lực không ngừng và niềm đam mê cháy bỏng, các bên sẽ cùng nhau gặt hái được nhiều thành công, góp phần đặt nền móng và xây dựng tương lai tươi sáng cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Tại Hội thảo, ông Trịnh Khắc Huề, Giám đốc Qorvo Việt Nam đã giới thiệu những điều kỹ sư thiết kể vi mạch cần thiết phải có; ông Seo Choo Han, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Cadence thông tin về nội dung Tập đoàn này hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực thiết kê vi mạch…
Đại diện Tập đoàn, Trường Đại học tham dự Hội thảo (Ảnh: HNV) |
Đáng chú ý, tại Hội thảo, ông Ngạc An Bang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã thông tin về chương trình đạo tạo nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn của trường, một trong các đơn vị tham gia Chương trình đào tạo ra những kiến trúc sư kiến tạo tương lai công nghệ của Việt Nam. Những kiến thức, kỹ năng được tích lũy và các sáng kiến đột phá mà các bạn trẻ tạo ra sẽ đưa đất nước vươn lên những tầm cao mới trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Mỗi cách tiếp cận mới, mỗi thiết kế vi mạch, mỗi giải pháp được tạo ra đều đưa Việt Nam đến gần hơn mục tiêu tô đậm hơn tên tuổi của Việt Nam trong bản đồ bán dẫn thế giới.
Trước ngưỡng cửa gia nhập sân chơi bán dẫn toàn cầu, Phó Hiệu trưởng Ngạc An Bang cũng nhấn mạnh, cần nhanh chóng và kịp thời nắm lấy cơ hội làm chủ công nghệ bán dẫn với niềm đam mê và quyết tâm cao; cùng chung tay tạo dựng môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, nơi những ý tưởng táo bạo được nuôi dưỡng và hiện thực hóa những ước mơ của thế hệ kỹ sư trẻ trong ngành bán dẫn.
Ông Ngạc An Bang cho biết thêm, chuỗi cung ứng ngành công nghệ bán dẫn bao gồm nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất chip, đầu vào sản xuất chip và phân phối. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ước tính, đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP. Hơn nữa, ngành bán dẫn Việt Nam không chỉ giới hạn ở lĩnh vực sản xuất, với hơn 5.000 kỹ sư thiết kế chip, Việt Nam đang dần khẳng định sự hiện diện của mình trong giai đoạn sản xuất chất bán dẫn quan trọng này. Điều này hứa hẹn mở ra cơ hội cho đất nước. Ngành bán dẫn của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm đáng kể từ các công ty lớn. Trên cơ sở đó, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên triển khai đào tạo thạc sỹ ngành công nghiệp bán dẫn, vừa tận dụng hợp tác quốc tế để đào tạo trực tiếp vừa kêu gọi các thạc sỹ sau khi tiếp cận công nghệ với các đối tác: Đài Loan, Úc, Singapore sẽ quay trở lại làm giảng viên của nhà trường, tiếp tục đào tạo ra các lứa nhân lực chất lượng bán dẫn cao tiếp sau đó.