Những lao động già bán rau cạnh 1 chung cư ở quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: N.D |
Lao động không có bằng cấp, chứng chỉ thất nghiệp chiếm gần 63%
Theo bản tin thị trường lao động Việt Nam Quý I/2024 mà Bộ Thương binh và Xã hội công bố thì lao động không có bằng cấp, chứng chỉ chiếm gần 63% trong số hơn 168.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ghi nhận của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lượng lao động, số người có việc làm Quý I/2024 tăng so với cùng kỳ năm trước. Lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước.
Quý I/2024, cả nước có hơn 168.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm hơn 81.000 người so với Quý IV/2023. Trong số này, 62,9% lao động không có bằng cấp chứng chỉ; 17,2% trình độ đại học trở lên; trình độ cao đẳng chiếm 6,6%; trung cấp là 6,4% và sơ cấp là 6,7%.
Về việc này, thạc sĩ Đồng Thị Thu Huyền, Trường Đại học Hải Phòng cho rằng, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề lao động, việc làm có vai trò quan trọng, mang tính cấp thiết, lâu dài đối với sự phát triển bền vững nền kinh tế.
Tuy nhiên theo thạc sĩ Đồng Thị Thu Huyền, chất lượng lao động hạn chế đang ngày càng gây nên những áp lực lớn đối với vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ).
“Bức tranh chung của thị trường lao động hiện nay cho thấy, chất lượng, lao động chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập… Số NLĐ đang làm việc tuy có xu hướng tăng, nhưng thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn...” – bà Đồng Thị Thu Huyền nhận định.
Ngoài ra, lớp lao động này còn phải chịu sức ép gián tiếp từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thế giới và Việt Nam đang ở trong nền kinh tế số - thời kỳ mà internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot… được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thay thế, phục vụ, đáp ứng nhu cầu con người. Kỷ nguyên số cũng tác động làm biến đổi thị trường lao động, nhiều ngành nghề, công việc truyền thống, thủ công bị xóa bỏ, nhiều lao động sẽ mất đi việc làm.
Việc thiếu đi những bằng cấp chứng chỉ, kỹ năng nghề nghiệp khiến nhiều lao động chấp nhận gắn bó với các công việc tay chân trong thời gian dài. Hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật có thể là nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc của mình, mặc dù thu nhập từ công việc đó đôi khi không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu.
Từ nhận định trên, bà cho rằng, nhu cầu cần thiết trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn cả sự cấp thiết trong việc mở rộng cơ hội đào tạo và cấp bằng chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế hiện đại.
Người trung niên đi làm bảo vệ ở 1 chung cư tại Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
Già hoá dân số và gánh nặng thiếu hụt nguồn lao động bổ sung
Tương tự, ở nhóm NLĐ lớn tuổi, theo Báo cáo thị trường lao động tháng 8 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tìm việc làm của nhóm lao động từ 35 tuổi trở lên khá cao, chiếm 40,95%, chỉ sau nhóm từ 25-34 tuổi (chiếm 48,86%). Tuy nhiên, lao động ở độ tuổi trung niên có thể gặp khó khăn khi tìm việc trên thị trường lao động hiện nay.
Nguyên nhân do thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và tự động hóa đã thay đổi nhiều ngành nghề, khiến cho những kỹ năng truyền thống mà lao động trung niên sở hữu trở nên lỗi thời. Các công việc hiện đại thường yêu cầu kỹ năng sử dụng công nghệ mới mà lao động trung niên có thể thiếu. Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho thấy có đến 70% các vị trí tuyển dụng yêu cầu NLĐ phải có kỹ năng công nghệ/tin học văn phòng. Đây là thách thức lớn với lao động trong quá trình tìm việc.
Lao động trên 35 tuổi cũng đang gặp những cạnh tranh khá lớn với nhóm lao động trẻ được đào tạo mới, có năng lực sử dụng công nghệ và sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn.
Bên cạnh đó, việc thiếu kỹ năng và đào tạo liên tục, do không có cơ hội, hoặc khả năng tiếp cận với các chương trình đào tạo liên tục và cập nhật kém hơn cũng là hạn chế của lao động trung niên khi tìm việc. Việc này khiến họ khó cạnh tranh với lao động trẻ hơn trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng mới.
Trong khi đó, theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa dân số. Dự kiến, vào năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20% hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trên 14%; đến năm 2049, Việt Nam trở thành xã hội siêu già với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 25% hoặc tỷ lệ người từ 65 trở lên chiếm trên 20% tổng dân số.
Già hóa dân số tạo ra nhiều thách thức trong phát triển kinh tế, nhất là về cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế đối với NLĐ trẻ cũng gia tăng. Già hóa dân số gây thiếu hụt nguồn lao động bổ sung cho tương lai, làm suy giảm năng suất lao động và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định rằng, bên cạnh những thách thức, xu thế này cũng đem lại không ít cơ hội. Họ cho rằng, nếu có sự đầu tư thích hợp, NLĐ cao tuổi sẽ trở thành nguồn lao động chất lượng cao, nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và gắn kết hơn với công việc, dẫn đến năng suất lao động cao hơn. Bên cạnh đó, số lượng người cao tuổi gia tăng cũng góp phần kích thích tiêu dùng, nhất là các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, phúc lợi…
(Còn nữa)
Già hóa dân số nhanh tạo ra những thách thức và cơ hội đối với Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn; tạo ra các tác động đa chiều, đến nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an sinh, xã hội và văn hóa; ảnh hưởng đến cơ cấu xã hội, cơ cấu kinh tế, trong đó trước mắt là cơ cấu lao động và tăng trưởng kinh tế.
Kỳ 1: Những người “tuổi hưu chưa đến, tuổi nghề đã hết” Mất việc khi tuổi đã cao, không có bằng cấp, chứng chỉ đào tạo… là những rào cản của nhiều người lao động trong thời ... |