Kỳ cuối: Hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả người lao động

Kinh tế |
Pháp luật xã hội
| 30/11/2024 10:38
Theo các đại biểu Quốc hội, cần bổ sung thêm một số những chính sách cho người lao động, đặc biệt là người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số…
Luật Việc làm (sửa đổi) được đưa ra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quốc hội

Sửa đổi Luật để giải quyết các vấn đề về việc làm, thu nhập cho người cao tuổi

Trước đó, góp ý vào Luật Việc làm (sửa đổi), TS Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, nước ta có trên 16 triệu người cao tuổi, trong đó hơn 60% người cao tuổi từ 60 đến 69 tuổi, 2/3 số người cao tuổi không có lương hưu vẫn phải lao động kiếm sống.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về người cao tuổi và việc làm cho người cao tuổi, tuy nhiên, người cao tuổi còn bị phân biệt định kiến về tuổi tác, chưa được dạy nghề, chuyển đổi nghề, chưa được vay vốn. Các chính sách hiện chưa đồng bộ khiến họ khó tiếp cận việc làm, thu nhập còn thấp, rủi ro về pháp lí còn cao. Vấn đề việc làm cho tầng lớp này ngày càng trở nên cần thiết, cấp bách trong giai đoạn già hóa dân số đang tăng nhanh hiện nay. Việc sửa đổi Luật Việc làm là cơ hội tốt để giải quyết các vấn đề về việc làm, thu nhập của họ…

Tương tự, trong nhiều lần góp ý vào bộ Luật, các đại biểu Quốc hội luôn nhấn mạnh, người lao động đang rất kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Việc làm lần này. Do đó, Luật cần sửa đổi căn cơ, tổng thể và mang tính toàn diện, các giải pháp đưa ra phải bảo đảm việc làm bền vững, hỗ trợ cho người lao động khi gặp khó khăn, giúp hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, hỗ trợ và đào tạo việc làm cho người cao tuổi để thích ứng với già hóa dân số.

Bên cạnh chính sách cho người lao động cao tuổi, nhiều những ý kiến của các đại biểu cũng cho rằng cần mở rộng thêm nhóm đối tượng. Theo đó, đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, cần tập trung xem xét các chính sách về việc làm, đặc biệt các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường việc làm trong nước, phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cũng cần nghiên cứu, xem xét các chính sách hỗ trợ thị trường việc làm trong những ngành công nghệ như công nghệ bán dẫn, công nghệ trong áp dụng vào việc làm xanh… để đưa ra định hướng cho việc phát triển thị trường lao động phù hợp với xu hướng của tương lai. Thông qua đó, hướng tới xây dựng một thị trường việc làm trong nước vững mạnh, phát triển, mở rộng, mỗi người dân trong độ tuổi lao động đều được kết nối để được làm việc, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân.

Về các đối tượng cần được quan tâm hơn về việc làm, đại biểu Lý Anh Thư cho rằng, người khuyết tật vốn được xếp vào nhóm yếu thế trong xã hội, cơ hội việc làm đối với nhóm đối tượng này càng thấp hơn so với những người lao động bình thường trong xã hội, trong khi họ đều có mong muốn, nhu cầu được có việc làm, tạo ra thu nhập để nuôi sống bản thân. Bên cạnh đó, người dân tộc thiểu số cũng đa phần xuất phát từ những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, do đó việc có việc làm đối với những nhóm đối tượng này thường hạn chế hơn rất nhiều so với các nhóm đối tượng khác.

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Lý Anh Thư đề nghị, cần có những chính sách việc làm cụ thể, thiết thực đối với các nhóm đối tượng trên để góp phần nâng cao khả năng có được việc làm của người khuyết tật và cần thiết phải đưa vào thành một quy định cụ thể trong dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Bởi lẽ, việc quy định các chính sách cụ thể với các nhóm đối tượng này, không những góp phần thể hiện một cách rõ ràng quan điểm của Nhà nước và xã hội đối với nhóm những người yếu thế trong xã hội, nhưng cũng đồng thời là cơ sở để triển khai chính sách việc làm cho các nhóm đối tượng này trên thực tế một cách hiệu quả, thiết thực. Thông qua đó góp phần vào mục tiêu chung, từng bước củng cố thị trường việc làm trong nước bền vững hơn.

Lao động vệ sinh môi trường làm việc giữa đêm khuya trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Cần có chính sách ưu tiên cho nữ giới

Về quy định đối tượng vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì mở rộng việc làm cũng được nhiều đại biểu quan tâm và cho đây cũng là một trong những chính sách căn cơ. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị bổ sung thêm đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc Kinh đang sinh sống tại vùng biên giới; đồng thời cũng bổ sung thêm các đối tượng này trong quy định đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để các trường hợp này cũng được hưởng những chế độ chính sách ưu đãi hơn trong vấn đề giải quyết việc làm…

Góp ý vào dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu thực tế tại địa phương có đặc thù dân cư sinh sống bao gồm nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang đối diện với khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề bảo tồn, duy trì nét văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc riêng. Vì trên thực tế, đối tượng truyền nghề truyền thống không có chứng chỉ hành nghề nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong chi trả chế độ, khuyến khích họ tham gia trao truyền, giảng dạy các kỹ năng mà họ có từ sự kế thừa thế hệ trước và kinh nghiệm cá nhân. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nhóm đối tượng này vào dự thảo Luật để Luật hóa, từ đó ban hành các chế độ, chính sách phù hợp.

Ngoài ra, theo đại biểu tại dự thảo Luật Việc làm lần này có quy định khá nhiều đối tượng ưu tiên như người khuyết tật, người cao tuổi, học sinh, sinh viên, hộ nghèo, hộ cận nghèo… tuy nhiên chưa có chính sách ưu tiên cho nữ giới. Vì vậy, Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang lưu ý, đối tượng người cao tuổi có đặc thù riêng nên chính sách hỗ trợ cũng cần có sự khác biệt. Theo đó, phải phát huy được trình độ, trí tuệ, kinh nghiệm của người cao tuổi trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới ngưỡng “dân số già”.

Ngoài ra, quan tâm tới quy định về chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên, nhiều ý kiến đại biểu cho biết, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định để làm rõ hơn chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên. Để chính sách đạt được hiệu quả cao, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo: Nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc cơ bản về hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp; bổ sung quy định trong dự thảo Luật các chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên; cân nhắc quy định cụ thể danh mục công việc được phép tham gia và các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ nhóm đối tượng lao động chưa thành niên…

Kết

Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến sẽ thông qua trong kỳ họp tới đây, với những đóng góp của các đại biểu trong kỳ họp thứ 8, người dân kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất người lao động.

0 Bình luận
Sắp xếp theo

Có thể bạn quan tâm