Làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Ai-len

(ĐCSVN) - Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ai-len của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, đẩy mạnh tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, nâng cao hiệu quả, làm sâu sắc và mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Ai-len. 

Nhận lời mời của Tổng thống Ireland Michael D. Higgins, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ai-len từ ngày 01 – 03/10/2024. Đây là chuyến thăm Ai-len đầu tiên của Nguyên thủ Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 05/4/1996.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ai-len của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, đẩy mạnh tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, nâng cao hiệu quả, làm sâu sắc và mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới để hai bên tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực trụ cột và mở rộng, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và phù hợp với mục tiêu phát triển của hai nước.

Ai-len là quốc đảo, nằm trong biển Bắc Băng Dương, ở cực Tây - Bắc Châu Âu, phía Đông giáp biển nằm giữa Ai-len và nước Anh, phía Tây giáp Bắc Băng Dương. Có diện tích: 70.282 km2, Dân số: 5,265 triệu người (2023); GDP: Tăng trưởng 3,2% (2023); GDP bình quân đầu người: 114.580 USD (2023).  

Ai-len ra đời năm 1922 sau khi 26 tỉnh của đảo Ai-len tách ra khỏi nước Anh (6 tỉnh còn lại vẫn thuộc Anh, được gọi là xứ Bắc Ai-len).

Ngày 29/12/1937, Hiến pháp mới của Ai-len ra đời thay tên nước Ai-len Tự do bằng tên mới Ai-len và quy định người đứng đầu Nhà nước Ai-len là Tổng thống. Ai-len đã gia nhập Liên hợp quốc năm 1955 và gia nhập Khối Thị trường chung châu Âu, tiền thân của Liên minh châu Âu, năm 1973 (cùng với Anh).

Nhờ thực hiện thành công chính sách chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ tập trung xuất khẩu (trong giai đoạn 1993 – 2007) và việc gia nhập Liên minh Tiền tệ châu Âu vào năm 2002, Ai-len trở thành một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng chế biến thực phẩm, đồ uống, quần áo, đồ thủ công, hóa chất, dược, máy điện tử, thiết bị thông tin. Ai-len cũng được Tạp chí Forbe đánh giá là một trong những quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất trên thế giới với mức thuế doanh nghiệp cạnh tranh (12,5%), thu hút hơn 1.000 công ty đa quốc gia hoạt động, hầu hết trong số đó là công ty của Mỹ. Thành phố Dublin của Ai-len hiện đứng đầu bảng xếp các hạng thành phố có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời, Ai-len được đánh giá tín dụng “A+”, cho thấy tương lai kinh tế diễn biến ổn định. Ai-len hiện cũng là trung tâm giáo dục và đổi mới đẳng cấp thế giới với lực lượng lao động trẻ và tài năng.

Với mục tiêu trở thành nhà Lãnh đạo và Đổi mới toàn cầu, Chính phủ Ai-len đã đầu tư 8,2 tỷ Euro trong chiến lược Khoa học Công nghệ và Đổi mới, triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ dưới hình thức tài trợ mới của Chính phủ là việc làm và đào tạo. Là nơi có nhiều trung tâm nghiên cứu tập trung vào các nhu cầu cụ thể của ngành công nghiệp chủ chốt, Ai-len hiện xếp thứ 11 trên toàn cầu về chất lượng tổng thể của nghiên cứu khoa học. Lĩnh vực công nghệ đang phát triển mạnh tại Ai-len với nhiều tập đoàn công nghệ đa quốc gia hoạt động và công ty khởi nghiệp đang nở rộ, tập trung phát triển về công nghệ nền tảng, điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, robot và internet vạn vật.

Ai-len có đồng cỏ tự nhiên quanh năm nên có điều kiện rất tốt để phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa, cừu… Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực. Ai-len có chỉ số an ninh lương thực đứng thứ hai thế giới năm 2022, nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ 1% trong GDP nhưng đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực, xuất khẩu 10% và tạo ra việc làm trong chuỗi giá trị nông nghiệp (9% tổng số lao động).

Về hợp tác phát triển, Ai-len cung cấp ODA qua Chương trình Viện trợ Quốc tế của Chính phủ. Ngân sách viện trợ chính thức của Ai-len trên toàn cầu vào năm 2021 là 976 triệu USD, tăng 109,8 triệu Euro – mức tăng lớn nhất kể từ năm 2006, nằm trong nỗ lực để đạt cam kết của Chính phủ dành 0,7% tổng thu nhập quốc dân cho viện trợ không hoàn lại đến năm 2030.

Trước đại dịch, Ai-len nằm trong số 10 quốc gia thanh bình nhất toàn cầu, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế tới tham quan (10,6 triệu khách/năm).

Kể từ khi Việt Nam và Ai-len thiết lập quan hệ ngoại giao (1996), hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển tốt đẹp, đặc biệt với điểm sáng là thương mại và giáo dục đào tạo, có nhiều tiềm năng để hai bên tiếp tục đẩy mạnh trong những năm tới và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực nhiều tiềm năng.

Hợp tác kinh tế, nhất là thương mại, đến nay, là một trụ cột chính trong quan hệ giữa Việt Nam và Ai-len, trên cơ sở triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và sắp tới là Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) sau khi được Ai-len và các thành viên EU còn lại phê chuẩn.

Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Ai-len gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép các loại, hàng dệt may. Các mặt hàng nhập khẩu từ Ai-len chủ yếu là: Hàng thủy sản, sữa, sản phẩm sữa, sản phẩm hóa chất, dược phẩm, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, phụ tùng khác...

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 7/2023, Ai-len có 41 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 60,82 triệu USD, đứng thứ 55/147 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Ai-len đầu tư nhiều nhất trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy. Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư Ai-len đã đầu tư vào 7/63 tỉnh thành của Việt Nam gồm: Sóc Trăng, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Một số dự án tiêu biểu: Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp xây đá B, huyện Châu Thành, tổng vốn đầu tư đăng ký 37,5 triệu USD tại tỉnh Sóc Trăng; Dự án Công ty TNHH Fruit of Loom Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 15 triệu USD tại tỉnh Thanh Hóa; Dự án Công ty TNHH Apple Việt Nam, tổng vốn đầu tư 2 triệu USD.

Tính đến tháng 7/2024, Việt Nam có 2 dự án đầu tư sang Ai-len với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 0,21 triệu USD, xếp thứ 75/81 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư của Việt Nam.

Việt Nam là một trong số 9 nước đối tác ưu tiên nhận viện trợ phát triển của Ai-len. Từ năm 2007 – 2020, Ai-len đã hỗ trợ cho Việt Nam tổng ngân sách khoảng 180 triệu Euro thông qua các Chiến lược quốc gia Ai-len – Việt Nam (CSP) giai đoạn 2007 – 2010 trị giá 85,5 triệu Euro; giai đoạn 2011 –2015, trị giá 55 triệu Euro và giai đoạn 2017 – 2020 trị giá 40 triệu Euro với mục tiêu hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương, cung cấp các dịch vụ cơ bản cho các xã nghèo ở Việt Nam. Dự án hỗ trợ tiêu biểu của Ai-len trong giai đoạn này là Dự án Hỗ trợ Chương trình 135 do Ủy ban Dân tộc chủ trì thực hiện.

Về tăng cường năng lực, trong khuôn khổ Chiến lược hợp tác của Ai-len với Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020, Chính phủ Ai-len phối hợp với Việt Nam triển khai Chương trình Chia sẻ kinh nghiệm phát triển Ai-len (IDEAS) hỗ trợ tăng cường năng lực, xây dựng quan hệ hợp tác, kết nối giữa các cơ quan đơn vị Việt Nam với các đối tác Ai-len trong các lĩnh vực như: Kinh tế vĩ mô, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, giáo dục, xúc tiến đầu tư, phát triển khu vực tư nhân.

Chiến lược hợp tác của Ai-len với Việt Nam, Lào, Campuchia giai đoạn 2023 – 2027 có ngân sách 47 triệu Euro. Phía Ai-len tiếp tục hỗ trợ các đối tượng và khu vực khó khăn, dễ bị tổn thương nhất, cụ thể là: Hỗ trợ người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và hỗ trợ rà phá bom mìn tại Việt Nam. Về lĩnh vực tài trợ, Ai-len ưu tiên hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và cung cấp học bổng thạc sỹ cho sinh viên ba nước. 

Ngày 03/11/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký với Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Biển Ai-len Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong chuyến thăm Việt Nam của Quốc vụ khanh Lương thực, Lâm nghiệp và Cây trồng Ai-len Andrew Doyle tháng 9/2016, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp trong các lĩnh vực trọng tâm gồm: Đào tạo quản lý nền nông nghiệp hiện đại; chia sẻ kinh nghiệm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ; xây dựng hệ thống quản lý thực phẩm nông sản an toàn, có khả năng truy xuất nguồn gốc; và thúc đẩy hợp tác về chăn nuôi bò.

Tháng 4/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký với Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ai-len Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp. Các doanh nghiệp Ai-len đang xúc tiến các dự án đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực Ai-len có thế mạnh và Việt Nam có nhiều tiềm năng như: Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, y tế, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao.

Giáo dục - đào tạo có vị trí quan trọng trong quan hệ hai nước. Ngày 28/11/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Kỹ năng Ai-len đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đại học. Trong những năm qua, Ai-len đã cung cấp khoảng 250 suất học bổng cho Việt Nam thông qua: Chương trình học bổng toàn phần Irish Aid (IDEAS 1) được triển khai từ 2009, dành cho các ngành thạc sỹ về quản trị kinh doanh, tài chính, kinh tế, marketing, quản lý dự án, kinh doanh quốc tế, khoảng 22 – 25 người/năm; Chương trình học bổng kỹ thuật Irish Aid (IDEAS 2) triển khai từ 2013, chủ yếu dành cho các ngành thạc sỹ về kỹ thuật như công nghệ thông tin, khoa học máy tính, kỹ thuật, dược, ngôn ngữ ứng dụng, từ năm 2016 thêm ngành khoa học xã hội. Đối tượng là ứng viên công tác trong khu vực công và các cơ sở giáo dục đại học. Số lượng trúng tuyển là 3 – 5 người/năm.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Ai-len Michael D. Higgins tháng 11/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã ký với Bộ Giáo dục và Kỹ năng Ai-len Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đại học giai đoạn 2016 – 2021; với Tổ chức Khảo thí tin học Châu Âu (ECDL) Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông; các cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu hai nước đã ký một số thỏa thuận hợp tác.

Năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ai-len, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh kiêm nhiệm Ai-len tổ chức một số hoạt động giới thiệu văn hóa, triển lãm ảnh, biểu diễn nghệ thuật, giao hữu thể thao tại Ai-len và Việt Nam.

Đến nay, hai bên chưa thiết lập quan hệ quốc phòng, chưa cử Tùy viên Quốc phòng tại mỗi nước, chưa trao đổi đoàn quốc phòng và chưa ký các văn bản hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng mà chủ yếu hợp tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn. Về an ninh, Bộ Công an chưa có hoạt động hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật Ai-len.

Cộng đồng người Việt Nam tại Ai-len mới hình thành từ cuối thập kỷ 1970 với số lượng không nhiều, ban đầu có khoảng hơn 200 người, đến nay đã tăng lên gần 5.000 người từ các nguồn đoàn tụ gia đình, di cư từ quốc gia khác và một số ít ở lại định cư sau khi kết thúc học tập, nghiên cứu… Người Việt Nam tại Ai-len đa phần có cuộc sống ổn định, chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng nhỏ, có việc làm và thu nhập ở mức trung bình khá. Bà con cộng đồng đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, luôn gắn bó và hướng về quê hương đất nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ai-len, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có các cuộc hội đàm chính thức với Tổng thống Ai-len Michael D. Higgins và người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội Ai-len. Lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ trao đổi, thống nhất định hướng, các khuôn khổ hợp tác và các biện pháp lớn nhằm tăng cường thực chất và nâng cao hiệu quả quan hệ song phương, nhất là với các lĩnh vực thế mạnh và phù hợp với mục tiêu phát triển của hai nước như: Giáo dục - đào tạo, thương mại và đầu tư, đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao.

Hai bên cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, thống nhất các biện pháp đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương nhằm đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Chúng ta tin tưởng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ai-len của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp, đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước lên tầm cao mới, phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, đem lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

0 Bình luận
Sắp xếp theo

Có thể bạn quan tâm