TP Hồ Chí Minh giữ được nhịp độ tăng trưởng nhưng chưa có đột phá

(ĐCSVN) – Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, xác định được các giải pháp trọng tâm cần triển khai, các giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội quý 4 năm 2024 và cho năm sau.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Phiên họp. 

Chiều 1/10, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Phiên họp Thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 năm 2024 và 9 tháng đầu năm 2024. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Theo báo cáo tại Hội nghị, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực; trong tháng 9 năm 2024, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, IIP toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 6,9% so với cùng kỳ.

Về đầu tư và xây dựng, Thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố trong những tháng cuối năm 2024. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn thành phố ước thực hiện tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố trong 9 tháng năm 2024 ước tăng 14,3% so với cùng kỳ. Chi cân đối ngân sách địa phương tăng 22,2%, chi thường xuyên tăng 14,1% so với cùng kỳ. Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2024 ước thực hiện 371.307 tỷ đồng, đạt 76,9% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 9 tháng năm 2024 ước thực hiện 56.254 tỷ đồng, đạt 37,5% dự toán và giảm 0,5% so với cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) ước thực hiện 55.047 tỷ đồng, đạt 37,7% dự toán và tăng 22,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước tính đến ngày 30/9/2024 đạt 3.717,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng ổn định, mặc dù doanh thu lưu trú, lữ hành giảm do thời tiết không thuận lợi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tháng 9 ước tăng 4,8% so với tháng trước, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024 tăng 10,5%. Về vận tải hành khách và hàng hóa, doanh thu vận tải 9 tháng năm 2024 tăng 36,9% so với cùng kỳ. Riêng quý III tăng 41,5% so với cùng kỳ. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bước qua tháng 9, học phí năm học mới 2024 – 2025 được điều chỉnh, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng là một trong những nguyên nhân làm chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 2,71% so với cùng kỳ. CPI bình quân quý III năm 2024 tăng 2,99% so với cùng kỳ và bình quân 9 tháng tăng 3,17%...

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, đây là phiên họp sơ kết quý III và 9 tháng đầu năm để xác định lại công việc đã triển khai và đưa các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng cho thấy, Thành phố vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng nhưng chưa có đột phá. Trong kết quả này, giải ngân đầu tư công vẫn thấp, mới đạt 20% kế hoạch năm. Do đó, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị, phiên họp cần tập trung thảo luận, xác định được các giải pháp trọng tâm cần triển khai, các giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội quý 4 năm 2024 và cho năm sau.

"Phiên họp cần xác định được các giải pháp trọng tâm, các vướng mắc cần tháo gỡ để tạo tiền đề hoàn thành nhiệm vụ trong năm nay và năm sau" - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị.

0 Bình luận
Sắp xếp theo

Có thể bạn quan tâm