Việc thực hiện cải cách các chính sách thuế liên quan đến BĐS sẽ được đặt trong tổng thể việc thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt. Ảnh: Nguyễn Đăng |
Để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng gần đây đã đề xuất giải pháp để kiểm soát tình trạng đầu cơ bất động sản BĐS là đánh thuế đối với những người sở hữu từ hai nhà, đất trở lên.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã bày tỏ sự đồng thuận và cam kết nghiên cứu phương án này. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Nhiều người cho rằng việc đánh thuế tại thời điểm hiện nay cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, chẳng hạn như làn sóng bán tháo BĐS.
Bộ Tài chính cho biết, hiện tại Nhà nước đã ban hành các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong quá trình xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ); sử dụng BĐS (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp.)
Tuy nhiên, hiện tại, ở Việt Nam chưa có khoản thu đối với nhà (trong quá trình sử dụng) và chuyển nhượng bất động sản (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng).
Việc xây dựng chính sách thuế BĐS cần tuân thủ các định hướng được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các giải pháp đề xuất bao gồm nghiên cứu thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất; Sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) áp dụng với thu nhập từ chuyển nhượng BĐS.
Các giải pháp đó góp phần thúc đẩy việc sử dụng nhà, đất tiết kiệm, hiệu quả; góp phần hạn chế đầu cơ về nhà, đất, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển minh bạch, ổn định và bền vững.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong thi hành các chính sách thuế liên quan đến BĐS để báo cáo các cấp có thẩm quyền, đảm bảo phù hợp với điều kiện trong nước, thông lệ quốc tế cũng như tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến BĐS.
Việc thực hiện cải cách các chính sách thuế liên quan đến BĐS sẽ được đặt trong tổng thể việc thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn lấy ý kiến rộng rãi tổ chức, cá nhân có liên quan về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân mới để thay thế Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, trong đó có việc nghiên cứu, sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng BĐS.
Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, nghiên cứu ý kiến tham gia; rà soát, đánh giá Luật Thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, mọi thay đổi trong chính sách thuế liên quan đến BĐS sẽ được triển khai một cách thận trọng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, tránh gây xáo trộn thị trường, đồng thời hướng tới sự phát triển minh bạch và bền vững của thị trường BĐS.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để đánh được thuế tài sản, điều đầu tiên là cần kiểm soát được giao dịch BĐS. Khi còn tình trạng mua bán nhà đất không qua ngân hàng, sàn giao dịch BĐS… sẽ khó mà đánh thuế tài sản, vì không thể chứng minh được họ có bao nhiêu tài sản để đánh thuế.
Khi không thể biết được mỗi người có bao nhiêu BĐS, việc đánh thuế chỉ làm méo mó hơn thị trường BĐS, khiến nhà đất khan hiếm hàng hơn và người có thu nhập ở mức trung bình, dưới trung bình khó có cơ hội tiếp cận nhà ở.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc đánh thuế BĐS hiện nay không dễ nhưng không thể thấy khó mà bỏ qua vì mục tiêu ổn định thị trường bất động sản. Việc đánh thuế này chủ yếu hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những đối tượng mua bất động sản phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất kinh doanh sẽ vừa giúp tăng nguồn thu ngân sách, vừa giúp điều tiết thị trường.