Công ước Hà Nội – dấu mốc lịch sử trong cuộc chiến chống tội phạm mạng toàn cầu

Sau gần 4 năm đàm phán căng thẳng, Công ước Liên Hợp quốc về Tội phạm mạng – “Công ước Hà Nội” đã chính thức ra đời, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực ứng phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng trên không gian mạng.

Thời sự11:14 | 25/12/2024

Sau gần 4 năm đàm phán căng thẳng, Công ước Liên Hợp quốc về Tội phạm mạng – “Công ước Hà Nội” đã chính thức ra đời, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực ứng phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng trên không gian mạng.

Một phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc. (Ảnh: NYT)

Ngày 24/12 (giờ New York), Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã nhất trí thông qua Công ước Liên Hợp quốc về Tội phạm mạng. Điều đặc biệt, văn kiện này sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội vào năm 2025, chính thức mang tên gọi “Công ước Hà Nội” theo quy định tại Điều 64.

Việc một điều ước quốc tế quan trọng gắn liền với tên gọi Hà Nội là lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, đánh dấu sự ghi nhận vai trò và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu.

Sự phát triển vượt bậc của công nghệ số đã mang lại nhiều cơ hội nhưng đồng thời đặt ra nguy cơ an ninh mạng nghiêm trọng. Theo ước tính, tội phạm mạng đã gây thiệt hại khoảng 8.000 tỷ USD trong năm 2023 và con số này có thể lên tới 10.500 tỷ USD vào năm 2025, lớn hơn GDP của nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Sự gia tăng cả về quy mô, mức độ phức tạp và phạm vi tác động của tội phạm mạng đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện để xử lý hiệu quả các nguy cơ này.

Quyết định lựa chọn Hà Nội là nơi mở ký Công ước là minh chứng rõ nét cho vai trò tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong toàn bộ quá trình đàm phán kéo dài từ năm 2021 đến 2024. Đây là kết quả từ sự tham gia chủ động, đóng góp thực chất và tích cực của Việt Nam vào các vấn đề toàn cầu.

Việc đăng cai Lễ mở ký Công ước Hà Nội sẽ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế quốc tế, đồng thời tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đảm bảo an ninh mạng trong kỷ nguyên mới.

Sự kiện này không chỉ giúp Việt Nam dẫn dắt các cuộc đối thoại quốc tế về quản trị số, mà còn góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Công ước Hà Nội bao gồm 9 chương và 71 điều – là thành quả của gần 4 năm thương lượng giữa các quốc gia thành viên, đánh dấu lần đầu tiên sau gần 20 năm kể từ Công ước Liên Hợp quốc về Tội phạm xuyên quốc gia, cộng đồng quốc tế mới có thêm một khuôn khổ pháp lý quan trọng về tội phạm mạng.

Công ước Hà Nội không chỉ là dấu mốc cho nền ngoại giao Việt Nam mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ cho quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc đối mặt với các thách thức an ninh mạng toàn cầu.

0 Bình luận
Sắp xếp theo

Có thể bạn quan tâm