NAPAS thúc đẩy phổ cập thanh toán điện tử

(ĐCSVN) - Trong suốt 20 năm qua, các sản phẩm như thẻ thanh toán không tiếp xúc, chuyển tiền nhanh NAPAS 247 và thanh toán bằng mã VietQR đã trở thành những phương thức phổ biến, đóng góp lớn vào quá trình phổ cập thanh toán điện tử.

Ngày 29/11, Hội nghị Tổ chức thành viên năm 2024 của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã được tổ chức thành công tại thành phố Nha Trang. Đây là sự kiện thường niên đánh dấu bước phát triển của NAPAS trong việc phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt trong năm qua, đồng thời  đề ra những kế hoạch chiến lược quan trọng cho năm 2025, nhằm thúc đẩy kết nối xuyên biên giới và nâng cao hiệu quả thanh toán toàn hệ thống.

Hội nghị Tổ chức thành viên (TCTV) năm 2024 của NAPAS có sự tham gia của hơn 60 tổ chức thành viên, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Ban lãnh đạo NAPAS. Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cùng đại diện các ngân hàng, tổ chức tài chính và các phòng ban chuyên môn của NAPAS đã tham dự để cùng nhìn lại những kết quả đạt được và bàn thảo định hướng phát triển trong tương lai.

Hội nghị là cơ hội để NAPAS và các TCTV tổng kết hoạt động trong năm qua, vinh danh những đóng góp xuất sắc và thảo luận các kế hoạch chiến lược cho năm 2025. Trong vai trò là đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, NAPAS tiếp tục chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử và chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Tại Hội nghị, NAPAS và các TCTV đã tổng kết các kết quả đã đạt được trong năm 2024, đồng thời trao đổi về kế hoạch triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trong năm 2025.

Theo đó, hệ thống NAPAS xử lý bình quân hơn 26 triệu giao dịch mỗi ngày, tăng 30,8% về số lượng và 15,9% về giá trị giao dịch so với năm 2023. Điều này phản ánh sự tăng trưởng vượt bậc của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là chuyển tiền nhanh NAPAS 247, dịch vụ chiếm 93,5% tổng số giao dịch của toàn hệ thống. Loại hình này đã tăng trưởng 34,7% về số lượng và 16,4% về giá trị giao dịch, khẳng định vị trí dẫn đầu trong hệ sinh thái thanh toán điện tử.

Cùng với đó, phương thức thanh toán bằng mã VietQR đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với số lượng giao dịch tăng gấp 2,2 lần và giá trị giao dịch tăng gấp 2,6 lần so với năm trước. Đây là một trong những giải pháp sáng tạo của NAPAS, được các tổ chức thành viên đón nhận và người dân tích cực sử dụng.

Ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị NAPAS phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: NQ)

Ngược lại, dịch vụ rút tiền mặt qua ATM tiếp tục suy giảm, giảm 19,5% và chỉ chiếm 2,4% tổng giao dịch của hệ thống, cho thấy xu hướng thay thế tiền mặt bằng các phương thức thanh toán điện tử ngày càng phổ biến trong đời sống hàng ngày.

Trong năm 2024, NAPAS cũng đã phối hợp với các TCTV hoàn thành triển khai nhiều  sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của thanh toán thẻ, thanh toán di động như Thẻ đồng thương hiệu NAPAS- MasterCard; dịch vụ số hóa thẻ NAPAS lên trên thiết bị di động (Tap to pay); dịch vụ thanh toán bằng mã VietQRPay trong nước và thanh toán xuyên biên giới với nhận diện VietQRGlobal.

Dưới sự chỉ đạo của NHNN, NAPAS đã đẩy mạnh kết nối thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR với các quốc gia trong khu vực. Trong năm 2024, NAPAS đã hoàn thành kết nối thanh toán mã QR với Thái Lan cho 2 tổ chức thành viên và triển khai thí điểm tại Lào cho 6 tổ chức thành viên. Năm 2025, công ty dự kiến mở rộng kết nối với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN khác, nhằm thúc đẩy sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán xuyên biên giới, góp phần tăng cường thương mại, đầu tư và du lịch khu vực.

Bên cạnh việc đổi mới và phát triển sản phẩm, NAPAS luôn chú trọng vào công tác vận hành an toàn và phòng ngừa rủi ro. Trong năm 2024, tỷ lệ hoạt động liên tục của hệ thống NAPAS đạt mức 99,997%, vượt cam kết ban đầu, đảm bảo tính ổn định và thông suốt cho hệ thống thanh toán quốc gia.

Để đối phó với các nguy cơ từ tội phạm công nghệ cao, NAPAS đã phối hợp với Bộ Công an, Hiệp hội Ngân hàng và các tổ chức thành viên để xây dựng giải pháp công nghệ tiên tiến, cập nhật Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật và triển khai quy trình xử lý giao dịch nghi ngờ gian lận, giả mạo. Các nỗ lực này không chỉ nâng cao hiệu quả phòng ngừa rủi ro mà còn tạo niềm tin lớn hơn cho người dân và doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị NAPAS, nhấn mạnh:“Trong suốt 20 năm qua, các sản phẩm như thẻ thanh toán không tiếp xúc, chuyển tiền nhanh NAPAS 247 và thanh toán bằng mã VietQR đã trở thành những phương thức phổ biến, đóng góp lớn vào quá trình phổ cập thanh toán điện tử. Để đạt được những thành tựu đó, không thể không kể đến sự chỉ đạo sát sao của NHNN và sự đồng hành chặt chẽ của các tổ chức thành viên.”

Ông Hưng bày tỏ kỳ vọng NAPAS sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác từ các tổ chức thành viên để công ty thực hiện sứ mệnh “gắn kết người dân, doanh nghiệp và ngân hàng bằng các sản phẩm thanh toán sáng tạo cho cuộc sống hàng ngày.”

Năm 2025, NAPAS đặt mục tiêu mở rộng quy mô kết nối quốc tế, thúc đẩy sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, và triển khai thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ phù hợp với xu hướng mới của thị trường.

Đại diện Techcombank, MB, và BIDV nhận giải “Ngân hàng tiêu biểu năm 2024. (Ảnh: NQ)

Trong khuôn khổ hội nghị, NAPAS đã tổ chức lễ vinh danh các tổ chức thành viên có thành tích xuất sắc trong năm 2024. Ngân hàng Vietcombank được trao giải “Ngân hàng xuất sắc năm 2024” vì những đóng góp lớn cho sự phát triển của hệ thống. Các ngân hàng Techcombank, MB, và BIDV nhận giải “Ngân hàng tiêu biểu năm 2024” nhờ thành tích vượt trội trong triển khai sản phẩm và hợp tác hiệu quả với NAPAS./..

0 Bình luận
Sắp xếp theo

Có thể bạn quan tâm